Doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia "sân chơi" thương mại điện tử

17:54' - 20/04/2022
BNEWS Với sự phát triển của thương mại điện tử, nhu cầu giao hàng chuyển phát nhanh không còn gói gọn ở phạm vi nội địa mà ngày càng mở rộng ra thị trường nước ngoài.

Ngày 20/4, tại Tọa đàm trực tuyến "Chỉ dẫn Đỏ" diễn ra ở Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho biết, tiềm năng phát triển của mảng kinh doanh trực tuyến (online) rất lớn và Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế số thứ hai khu vực Đông Nam Á vào năm 2025. Đồng thời, "sân chơi" thương mại điện tử sẽ ngày càng thu hút doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

 

Dự đoán sự phát triển kinh doanh online sẽ kéo theo nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam tham gia cũng như mở rộng thị phần trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong khi đó, ghi nhận thực tế ở thời điểm hiện tại cũng cho thấy, xu hướng thị trường không dừng lại ở các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử mà còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Kinh doanh online cũng được đánh giá là bước đi thông minh và linh hoạt chuyển mình cần thiết để doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng. Đồng thời, kinh doanh online còn được sử dụng như phương thức mới trong chiến lược tạo dựng niềm tin nơi người tiêu dùng và nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách hàng trên hành trình mua sắm.

Để phát triển nền kinh tế số, ông Đỗ Hữu Hưng, Tổng giám đốc AccessTrade cho rằng, thương mại điện tử cần đi trước, tiếp theo là những dịch vụ logistics, chuyển phát hàng hóa… Điều này giúp người dùng có lòng tin hơn cũng như nâng cao trải nghiệm của người nhận hàng.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, chất lượng hạ tầng của ngành logistics nói chung và chuyển phát nhanh nói riêng đã và đang được nâng lên rất nhiều. Khi các doanh nghiệp vận chuyển có thể làm tốt điều mà người dùng trông chờ thì nền kinh tế số đóng góp từ 50 - 60 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam sẽ thành hiện thực trong thời gian tới.

Trong 2 năm 2020 và 2021 có thể được xem là giai đoạn đặc biệt với những biến chuyển chưa từng có tiền lệ dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, kinh doanh online tại Việt Nam đánh dấu bước phát triển vượt bậc, đậm nét trên cả thị trường bán lẻ trong và ngoài nước.

Với sự phát triển của thương mại điện tử, nhu cầu giao hàng chuyển phát nhanh không còn gói gọn ở phạm vi nội địa mà ngày càng mở rộng ra thị trường nước ngoài.

Hầu hết đơn vị kinh doanh online tại Việt Nam đều có thể tham gia cung ứng, bán hàng ra thị trường nước ngoài.

Cụ thể, theo “Sách trắng Thương mại điện tử năm 2020”, doanh thu thương mại điện tử B2C (mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp và người tiêu dùng) toàn cầu từ năm 2019 - 2023, dự kiến tăng gấp 1,5 lần, từ 1.948 tỷ USD lên 2.883 tỷ USD. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam được dự đoán có mức độ tăng trưởng rất khả quan.

Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam cho biết, J&T Express luôn chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng bằng việc cung cấp nhiều loại hình dịch vụ phù hợp với những nhu cầu cần thiết.

Mạng lưới của J&T Express gồm các quốc gia: Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore, UAE và Saudi Arabia, Mexico… và phục vụ hơn hai tỷ người.

"J&T Express hoạt động với phương châm mang lại giải pháp hỗ trợ cho khách hàng kinh doanh trực tuyến dễ dàng và hiệu quả hơn. Do đó, người bán không cần có cửa hàng quá hoành tráng mà chỉ cần có hàng hóa tốt, J&T Express sẽ cung cấp những dịch vụ phù hợp để mang những hàng hóa của người bán đến tận tay người dùng", ông Phan Bình chia sẻ thêm.

Hiện nay, trên thị trường bán lẻ còn xuất hiện xu hướng "Think Global, Act Local" (Tư duy theo quy mô toàn cầu, hành động theo đặc trưng địa phương) là kim chỉ nam phát triển bền vững của nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi tiến vào thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp luôn chủ động ưu tiên kết hợp yếu tố toàn cầu và bản địa.

Năm 2022 với cơ hội thị trường rộng mở, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh..., thậm chí là các cá nhân từ thành thị đến nông thôn đều tích cực gia nhập “sân chơi” kinh doanh online. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, xu thế kinh doanh online vẫn còn tồn tại không ít thách thức, nhất là đối với những người mới khởi sự kinh doanh.

Có thể kể đến những vấn đề thực tế mà đơn vị kinh doanh online vướng phải như: hiếu hụt nhân sự, kiến thức, hỗ trợ từ đối tác, tham gia chuỗi cung ứng...

Đặc biệt, đơn vị kinh doanh online cần được tư vấn và cung cấp các giải pháp theo mô hình one-stop shop (nơi khách hàng có thể sử dụng được các sản phẩm và dịch vụ với giải pháp trọn gói, tích hợp và mang lại hiệu quả cao nhất).

Một số doanh nghiệp chỉ ra rằng, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng đòi hỏi chuyển phát nhanh phát triển mạng lưới rộng khắp để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Hơn thế nữa, doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn đầu tư lớn sẽ có nhiều ưu thế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục