Doanh nghiệp thành lập mới khởi sắc: Đã thực sự vui mừng?

14:45' - 07/04/2017
BNEWS Luật Doanh nghiệp 2014 đã lan tỏa một luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thành lập mới tăng liên tục. Tuy nhiên, cũng chứng kiến nhiều khó khăn của doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 11,4% trong quý 1/2017. Ảnh minh họa: TTXVN

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 11,4% với tổng vốn đăng ký tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2016. Chính phủ, các địa phương cũng như cộng đồng đang ghi nhận kết quả tích cực về phát triển doanh nghiệp.

Có thể nói, hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp trong quý I vừa qua diễn ra rất sôi động, xác lập một kỷ lục mới so với cùng kỳ các năm trước. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới này đi vào hoạt động sẽ đóng góp phần lớn giá trị cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. 

Tín hiệu “sôi động”

Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 3/2017 đã có tín hiệu “sôi động” trở lại so với tháng 1 và tháng 2/2017. Trong quý I/2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 271.200 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Theo đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), điều này cho thấy Luật Doanh nghiệp 2014 đã lan tỏa một luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng liên tục so với các quý và số vốn cam kết đưa vào thị trường duy trì ở mức cao cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục tin tưởng và nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh từ thị trường.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý I/2017 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang hoạt động bổ sung vốn kinh doanh 325.400 tỷ đồng, giúp tổng vốn đưa vào nền kinh tế trong quý I/2017 là trên 596.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2017 là 9.271 doanh nghiệp, cao gấp 2 lần so với quý I/2014 (4.662 doanh nghiệp).

Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, trong tổng số hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong năm 2016, trên 90% số doanh nghiệp này đã kê khai thuế và nộp thuế, cho thấy các doanh nghiệp này đã đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng cả về số lượng và quy mô của nhóm doanh nghiệp thành lập cũng cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục tin tưởng và nhìn ra nhiều cơ hội kinh doanh từ thị trường.

Theo chỉ số PMI (đánh giá khái quát về hoạt động trong ngành sản xuất) tháng 2/2017 tăng lên 54,2 điểm, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2015, cho thấy các điều kiện kinh doanh đang tiếp tục có sự cải thiện. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất đang có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng nhờ sản lượng và số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn.

“Điều này phần nào cho thấy sự gia tăng mức độ thuận lợi cũng như tiềm năng của môi trường đầu tư kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã có thể linh hoạt chuyển hướng sang thực hiện cơ hội đầu tư kinh doanh mới”, đại diện Cục Đăng ký quản lý kinh doanh cho biết.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, quan trọng là có sự chuyển biến tích cực từ các cơ quan chức năng, tạo ra tác động tốt, lan tỏa đến xã hội; nhất là giới doanh nhân.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tin vào công cuộc cải cách, bản thân nhiều đơn vị đã chủ động tham gia đóng góp ý kiến, tham vấn với cấp điều hành với tinh thần cởi mở hơn thời gian trước. Trách nhiệm của cơ quan chức năng, bộ máy hành chính và nhất là của người đứng đầu đã có sự xác định rõ ràng, hơn hẳn so với thời kỳ trước.

Cần tận dụng tốt cơ hội

Mặc dù với số lượng doanh nghiệp mới thành lập khởi sắc. Tuy nhiên, trong quý I cũng chứng kiến nhiều khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, quý I/2017, cả nước có 9.942 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động có thời hạn; số doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể là 10.700 doanh nghiệp.

Đây là con số cho thấy một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp đã và đang đối diện nhiều khó khăn. Hiện, riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 3.268 đơn vị, tăng 12% so với cùng kỳ và phần lớn trong số này có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

Thực tế này cho thấy, do quy mô nhỏ, tiềm lực yếu nên ngay khi mới “khai sinh” nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ vững trước sức ép, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu xét về quy luật thì luôn có những doanh nghiệp mới thành lập để đi vào hoạt động; đó là nguồn lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Ngược lại, thị trường là nơi luôn tồn tại sự cạnh tranh giữa các đơn vị bên cạnh những vấn đề, bất lợi phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nào đó yếu kém, không thể tiếp tục tồn tại thì đương nhiên phải rút lui khỏi thị trường như một sự tất yếu.

Thực tế cho thấy, sự cải thiện về chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh đang ngày càng được chú trọng, được Chính phủ đến chính quyền các địa phương, bộ, ngành tập trung thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận hỗ trợ tối đa của cộng đồng doanh nghiệp.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì dường như kết quả vẫn chưa thỏa mãn hết mong muốn của doanh nghiệp.

Để các doanh nghiệp này càng ngày đi vào hoạt động hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, cơ cấu doanh nghiệp thành lập mới cần hướng đến những ngành tạo ra giá trị sản xuất cao.

Bởi, thời gian qua, mặc dù số lượng đăng ký thành lập mới tăng cao nhưng đóng góp vào sản xuất chưa được như kỳ vọng. Trong số 98.757 các doanh nghiệp đi vào hoạt động có đến 35,4% hoạt động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy.

“Đây không phải là ngành tạo ra sản phẩm vật chất, doanh thu của những doanh nghiệp này cũng phụ thuộc vào sức mua, tiêu tiền của người dân trong nền kinh tế. Chỉ có 13,72% doanh nghiệp mới được thành lập trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo”, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó trên thị trường nội địa. Ảnh minh họa: TTXVN

Không những thế, các doanh nghiệp Việt cạnh tranh trong thị trường hàng hóa nội địa thấp. Các doanh nghiệp này gặp khó trên chính sân nhà khi mẫu mã, chất lượng ít có sản phẩm có thương hiệu toàn cầu. Trong khi đó, trên thị trường sản phẩm nước ngoài từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia tràn về khá lớn.

“Nếu các doanh nghiệp trong nước không tận dụng tốt cơ hội, hàng hóa nước ngoài sẽ vào nhiều. Các nhà sản xuất Việt cần kết nối với hệ thống bán lẻ, siêu thị trong nước để nâng cao chất lượng hàng hóa mẫu mã...", bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại dịch vụ (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, một trong những giải pháp được chú trọng trong thời gian tới là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu xây dựng Đề án giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành hoàn thiện khung khổ pháp lý về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tiếp tục triển khai các dịch vụ hành chính điện tử, giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh...

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp do Tổng Cục thống kê thực hiện, trong quý I vừa qua, trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 24,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 41,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Trong quý II, có 57,8% số doanh nghiệp dự báo xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên và 32,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Chỉ có 9,8% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng, mặc dù, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đang tăng mạnh cả về số lượng và quy mô. Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, quy mô doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tương đối nhỏ, yếu về nhiều mặt. Do vậy, khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế - quốc tế còn rất khó khăn…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục