Doanh nghiệp thích ứng ra sao sau dịch COVID-19?

10:56' - 08/12/2022
BNEWS Vietnam Report tôn vinh các doanh nghiệp du lịch - tận tải hành khách đã chống chịu tốt, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, vươn lên đạt được thành tựu đáng ghi nhận

Theo tin từ Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đơn vị này vừa chính thức công bố Top 10 công ty du lịch và Top 5 công ty vận tải hành khách uy tín năm 2022.

Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh các doanh nghiệp du lịch - vận tải hành khách có khả năng chống chịu tốt, nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Đồng thời, vươn lên trong bối cảnh mới và đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và các nhà đầu tư.

Báo cáo được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan, dựa trên ba tiêu chí chính là năng lực tài chính, uy tín truyền thông, kết quả khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2022 đối với các doanh nghiệp thuộc ngành này. 

Bảng xếp hạng được chia thành 3 danh sách gồm Top 10 công ty du lịch uy tín năm 2022 với những tên tuổi như: Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist và Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành, Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh, Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại - Vinacomin, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Công ty TNHH Du lịch Trần Việt, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Du lịch Đất Việt, Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST.

Top 5 công ty vận tải hành khách uy tín năm 2022 gồm Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang Futabusline .

Đánh giá về hoạt động du lịch - vận tải hành khách Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay, thế giới đang dần chuyển sang một trạng thái mới – một chu kỳ kinh tế mới sau gần 3 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng. Mọi hoạt động đã dần quay trở về với quỹ đạo vốn có.

Hoạt động du lịch toàn cầu, với thiệt hại 4,5 nghìn tỷ USD và 62 triệu việc làm trong năm 2020 do tác động của đại dịch, đã cho thấy sự phục hồi nhanh dần đều từ cuối năm 2021. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), sự phục hồi ổn định phản ánh nhu cầu đi lại quốc tế đang bị dồn nén mạnh mẽ cũng như việc nới lỏng/dỡ bỏ các hạn chế đi lại (86 quốc gia không có hạn chế liên quan đến COVID-19 kể từ ngày 19/9/2022).

Đối với Việt Nam, sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc. Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã cho phép mở cửa du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11/2022 đạt 596,9 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch và các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Tính chung 11 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.954,2 nghìn lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Trong đó, khách đến từ Hàn Quốc là nhiều nhất với 769,9 nghìn lượt, tương đương 25,9%. Tiếp theo là Mỹ với 266,1 nghìn lượt, chiếm 9%. Trong Top 10 thị trường gửi khách hàng đầu, khu vực Đông Nam Á có Campuchia đạt 172,5 nghìn lượt, xếp thứ 3. Thái Lan 153,5 nghìn lượt xếp thứ 4. Singapore 134,5 nghìn lượt xếp thứ 6. Malaysia 129,2 nghìn lượt xếp thứ 7.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa tháng 11/2022 ước đạt 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn tổng lượng khách cả năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp lữ hành tái hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Kể từ sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng vào các ngày trong tuần và trên 95% dịp cuối tuần, đặc biệt là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải hành khách đáp ứng khá tốt nhu cầu mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng sản lượng vận chuyển 11 tháng năm nay chỉ bằng 72,6% và luân chuyển bằng 68,4% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19.

Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành của Vietnam Report tháng 10-11/2022 cho thấy, có đến 32,6% số doanh nghiệp nhận định doanh thu đã tăng lên trong 9 tháng so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 14% số doanh nghiệp cho biết doanh thu giảm. 

Khảo sát cũng cho thấy, có 60% số doanh nghiệp ghi nhận số lượt hành khách phục vụ hiện tại đang ở dưới mức trước đại dịch; 44,4% trong số đó kỳ vọng sẽ đạt và vượt mức trước đại dịch vào quý 2/2023. Với những điều kiện thuận lợi cho khách du lịch về tiếp cận điểm đến, thủ tục xuất nhập cảnh được đơn giản hóa, kéo dài thời gian thị thực, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục trở lại thời gian trước đại dịch.

Kết quả nghiên cứu của Vietnam Report về sức chống chịu và khả năng phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp du lịch - vận tải hành khách Việt Nam thực hiện trong tháng 10-11/2022 cũng cho thấy, 100% số doanh nghiệp trong ngành cho rằng có thể học được nhiều điều từ việc ứng phó với COVID-19; 69,2% số doanh nghiệp đã chuẩn bị để ứng phó với các tác động của đại dịch và 76,9% số doanh nghiệp đã quản lý hiệu quả các tác động đó. 

Theo ông Vinh, nghiên cứu tổng hợp của Vietnam Report cũng ghi nhận rằng, khả năng phục hồi kinh doanh là khả năng doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh mới sau khủng hoảng và nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về “khả năng phục hồi” còn khá đơn giản.

Đa phần các doanh nghiệp cho rằng “khả năng phục hồi” là khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh sau gián đoạn, khủng hoảng; khả năng duy trì hoạt động liên tục, đảm bảo lợi ích cho các cổ đông, nhân viên và các bên liên quan… ; khả năng quản lý khủng hoảng ... Chính vì thế, mặc dù đã có sự “chuẩn bị” nhưng phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều tỏ ra “bị động” trước những ảnh hưởng của đại dịch.

Tuy nhiên, vẫn có một tín hiệu tích cực cho thấy, sau đại dịch 75% số doanh nghiệp đã dành sự quan tâm đáng kể và thảo luận về khả năng phục hồi với một số lĩnh vực trọng tâm, 50% số doanh nghiệp đã lên kế hoạch xác định những việc cần cải tiến trong tương lai gần. Tỷ lệ các doanh nghiệp đưa các kế hoạch ứng phó khẩn cấp, quản lý khủng hoảng và kinh doanh liên tục vào trong chiến lược kinh doanh đã tăng lên đáng kể so với thời điểm trước khi đại dịch diễn ra./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục