Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh hướng đến phát triển bền vững

19:21' - 27/10/2023
BNEWS Nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp áp dụng và bước đầu thành công trong việc hướng đến hoạt động kinh doanh bền vững.

Xu thế phát triển bền vững đang diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam. Nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp áp dụng và bước đầu thành công trong việc hướng đến hoạt động kinh doanh bền vững.

Đây là nội dung trọng tâm mà các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi, chia sẻ tại hội thảo "Doanh nghiệp sản xuất và xu thế phát triển bền vững" do Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HBA) tổ chức vào ngày 27/10.

Ông Đào Xuân Đức - Chủ tịch HBA cho rằng, phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi,  giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh; đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp hoạt động giao thương quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và công ty đại chúng niêm yết tại sàn chứng khoán.

 

Trên thế giới, áp dụng ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG.

Đây là những yếu tố quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững, cần có cơ chế chính sách đồng bộ nhằm huy động nguồn lực trong và ngoài nước.

Bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, Việt Nam cũng cần hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho doanh nghiệp phát triển xanh dựa vào các tiêu chuẩn khu vực, thế giới.

Tp. Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Nhưng sau hơn 30 năm, các khu công nghiệp, khu chế xuất dần trở nên lạc hậu khi vẫn phát triển dựa trên thâm dụng lao động mà chậm chuyển đổi công nghệ.

Do vậy, Tp. Hồ Chí Minh cần tập trung và vận dụng các chính sách, cơ chế về phát triển xanh (bù trừ tín chỉ carbon, điện áp mái trụ sở cơ quan Nhà nước, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược sử dụng năng lượng sạch…) góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững - ông An phân tích.

Về phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec thông tin, Chính phủ đã có Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Do vậy, Thành phố cần có hướng dẫn thông thoáng cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư chuyển đổi khu công nghiệp tổng hợp sang khu công nghiệp sinh thái hoặc chuyển đổi từ khu công nghiệp tổng hợp sang khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp phụ trợ.

"Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp cần xác định chiến lược cộng sinh vùng, cộng sinh giữa các khu công nghiệp với nhau để giảm thiểu giá trị đầu tư và điều này thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố.

Chủ đầu tư khu công nghiệp cũng cần mạnh dạn chuyển từ khu công nghiệp tổng hợp, khu công nghiệp chuyên ngành sang khu công nghiệp sinh thái" - ông Điệp chia sẻ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về doanh nghiệp phát triển bền vững; những kinh nghiệm và giải pháp mà một số doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đã bước đầu áp dụng thành công.

Nhiều doanh nghiệp giới thiệu sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến phát triển kinh tế địa phương, hoạt động hỗ trợ cộng đồng và sản suất sản phẩm sạch, sản phẩm xanh, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tạo uy tín thương hiệu vươn ra toàn cầu…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục