Doanh nghiệp Việt với Cách mạng công nghiệp 4.0: Nếu "lạc nhịp" sẽ bị đào thải

16:39' - 12/04/2018
BNEWS Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

Cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0).

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo Doanh nghiệp Việt với Cách mạng công nghiệp 4.0” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 12/4.

Doanh nghiệp Việt với Cách mạng công nghiệp 4.0: Nếu "lạc nhịp" sẽ bị đào thải. Ảnh: TTXVN

Cơ hội và thách thức thời 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam; trong đó các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.

PGS. TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt; trong đó, có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, ngược lại cũng có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể.

Nhìn chung, các ngành du lịch, thương mại nội địa, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng được hưởng lợi từ nền tảng kết nối dữ liệu, số hóa.

Trong khi đó, một số ngành như năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may lại phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến chi phí điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp trong ngành hàng sẽ cùng tăng trưởng hay cùng gặp khó khăn.

Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu nắm bắt được cơ hội, cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

Ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh Công ty Haravan nhận định, doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng Việt Nam khi hàng hoá ngoại nhập vào theo con đường thương mại điện tử.

Trong khi Việt Nam có đến 60% dân số dùng internet và trung bình mỗi người online 25 giờ/tuần.

Ở quy mô toàn cầu, hiện có khoảng 600 triệu người tiêu dùng không biên giới thì nhiều doanh nghiệp có lợi thế về phân phối, bán lẻ truyền thống nhưng chưa biết vận dụng thương mại điện tử để giữ thị phần.

Theo ông Liêu Hưng Tiến, công nghệ đang làm thay đổi ở nhiều lĩnh vực; trong đó thương mại điện tử đang thay đổi hành vi và thói quen của người dùng.

Cách đây khoảng 10 năm sẽ khó hình dung câu chuyện người tiêu dùng có thể đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam, nhưng những năm gần đây ai cũng có thể đặt mua hàng từ nước ngoài về dễ dàng thông qua các công cụ như Amazon, Alibaba, Lazada… và đó là thách thức của các doanh nghiệp sản xuất tại Viêt Nam.

Theo các chuyên gia, mức độ sẵn sàng về công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin được coi là nền tảng của phương thức phát triển mới.

Tuy nhiên theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới vào năm 2014, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 102 thế giới; trong đó, mức độ ứng dụng công nghệ là rất thấp.

Ông Lê Đình Phong, Tiến sĩ Robotics và tự động hóa - Nghiên cứu viên Trung tâm triển khai - Khu công nghệ cao Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, nền công nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ.

Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường nằm ở các thương hiệu lớn hoặc có đầu tư từ nước ngoài.

Nguyên nhân là do việc đầu tư cho các dây chuyền tự động, công nghệ mới cần nguồn vốn rất lớn, trong khi đa phần doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ, hạn chế về tiềm năng tài chính.

Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, có tới 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao.

Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang loay hoay với các thiết bị, máy móc có công nghệ đã lạc hậu từ 2 -3 thế hệ.

Ngoài ra, có tới 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.

Thay đổi để thích nghi và phát triển

Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ và không thể nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam tất yếu phải thay đổi để thích nghi và phát triển.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho rằng với tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải hướng tới, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý, mà ngay cả công nghệ sinh học cũng phải được quan tâm.

Theo ông Viên, đối với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm thì công nghệ sinh học rất quan trọng, có thể ứng dụng trong suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu, thu hoạch, chế biến, bảo quản…

Khi kết hợp nhiều công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm khác biệt, có giá trị độc đáo thì doanh nghiệp mới cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác trong việc thu hút người tiêu dùng.

Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC cho rằng các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong tiến trình theo kịp các cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu.

Tốc độ phát triển công nghệ kỹ thuật hay công nghệ thông tin đưa vào quản lý sản xuất, kinh doanh đều đang rất nhanh, nếu không thích nghi, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển.

Dẫn chứng về hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động của doanh nghiệp, ông Nhơn cho biết, trước đây nhà máy sản xuất của ICC cần hơn 150 công nhân làm việc nhưng sau khi thay đổi công nghệ sản xuất, nhà máy chỉ cần 50 công nhân vận hành là có thể đạt sản lượng gấp 3 lần so với trước.

Không chỉ chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi công nghệ quản trị. Với hệ thống quản trị doanh nghiệp mới, lãnh đạo doanh nghiệp có thể nắm được tình hình sản xuất hằng ngày từ khâu đưa nguyên liệu vào đến khi sản phẩm ra thị trường, có thể trao đổi giải quyết nhanh ngay nếu có sự cố mọi lúc, mọi nơi.

Trong lĩnh vực du lịch, các chuyên gia cho rằng cần triển khai thực hiện thật tốt tự động hóa kết nối hệ thống dịch vụ, kết nối hệ thống quản lý và hệ thống thực thi.

Song song đó, ngành du lịch cần bắt đầu xây dựng nền móng của trí tuệ thông minh nhân tạo đưa vào việc dự báo, dự đoán xu hướng của khách, trong vấn đề hình thành các cụm sản phẩm, cách tiếp cận của người dân vào hệ thống sản phẩm du lịch, về tuyến điểm tham quan… và triển khai sớm việc hỗ trợ khách trong không gian số.

Về vĩ mô, PGS TS Lê Hoài Quốc cho rằng, kinh tế Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Chuyển đổi cơ cấu ngành theo hướng giảm thâm dụng lao động phổ thông, tăng thâm dụng công nghệ và thâm dụng lao động có kỹ năng chuyên môn cao.

Trong thu hút đầu tư, cần có cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp FDI và khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nội địa.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành, đào tạo liên ngành.

Ngân sách đầu tư công cần ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện khả năng kết nối thông tin (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng Internet), phát triển thị trường vốn dài hạn cũng như thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục