BNEWS
Năm 2022 - 2023 là giai đoạn tái cấu trúc ngành xi măng Việt Nam, lấy thị trường nội địa làm động lực tăng trưởng, tăng tính hiệu quả kinh tế theo quy mô.
Tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt vẫn sẽ tiếp diễn là những khó khăn mà các doanh nghiệp ngành xi măng phải đối diện. Do đó, thị trường xuất khẩu được cho là “phao cứu sinh” giải quyết tình trạng dư cung trầm trọng của ngành xi măng Việt Nam. Giới phân tích nhận định, năm 2022 - 2023 là giai đoạn tái cấu trúc ngành xi măng Việt Nam, lấy thị trường nội địa làm động lực tăng trưởng, tăng tính hiệu quả kinh tế theo quy mô.
*Vừa thừa, vừa thiếu Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho rằng, ngành xi măng Việt Nam đang ở trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” khi dư thừa nguồn cung xi măng do công suất sản xuất vượt quá nhu cầu thị trường nội địa và thiếu các nhà máy xi măng quy mô lớn. Trong khi nhu cầu xi măng nội địa hiện nay chỉ đạt dưới 65 triệu tấn thì quy mô công suất toàn ngành đã lên tới gần 107 triệu tấn. Điều này dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu của xi măng Việt Nam.
Dù vậy, có tới 41/87 dây chuyển sản xuất tại Việt Nam có công suất dưới 1 triệu tấn/năm, chiếm 21% tổng sản lượng toàn ngành. Theo ước tính của VNDIRECT, quy mô tối thiểu để một nhà máy xi măng đạt được hiệu quả kinh tế là 2 triệu tấn/năm và mỗi doanh nghiệp phải có công suất tối thiểu 5-10 triệu tấn/năm để đảm bảo hiệu quả trong dài hạn thông qua việc tiết kiệm chi phí.
Theo quan điểm của VNDIRECT, việc thiếu hiệu quả sản xuất theo quy mô và tình trạng dư cung kéo dài là những lý do chính hạn chế khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong ngành.
Chính phủ Việt Nam gần đây đã tích cực nâng các rào cản gia nhập ngành xi măng, đặc biệt chỉ cấp phép cho những dự án lớn, trên 2 triệu tấn/năm, nhằm giảm bớt tình trạng phân mảnh của thị trường. Tuy nhiên, trong ngắn hạn việc cấp phép xây dựng nhà máy mới sẽ khiến tình trạng dư cung thêm nghiêm trọng.
Dự kiến trong năm 2022 sẽ có thêm 3 dây chuyền xi măng với tổng công suất 8,8 triệu tấn/năm đi vào hoạt động, bao gồm Xuân Thành 3, Long Thành và Đại Dương 1. Tổng công suất toàn ngành năm 2022 sẽ tăng lên 115,4 triệu tấn/năm, tăng 8% so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, 3 dây chuyền mới được đặt tại Hà Nam và Thanh Hóa – hai tỉnh có công suất thiết kế lớn nhất Việt Nam, qua đó càng làm tăng cạnh tranh tại khu vực miền Bắc.
*Thị trường nội địa giúp tăng hiệu quả Thị trường xuất khẩu được cho là “phao cứu sinh”, giải quyết tình trạng dư cung trầm trọng ngành xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2021. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, để gia tăng lợi nhuận thì doanh nghiệp xi măng cần dựa vào thị trường nội địa.
Theo
Tổng cục Hải quan, với thị trường xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker của Việt Nam trong năm 2021 ghi nhận mức cao kỷ lục là 108,4 triệu tấn, tăng 8,3% so với năm trước đó, giúp tỷ lệ huy động toàn ngành tăng 2 điểm % so với năm 2020 lên mức 102%.
Dù sản lượng tăng trưởng mạnh mẽ nhưng hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu lại không cao khi tỷ trọng sản phẩm bán thành phẩm – clinker thường xuyên ở mức cao, chiếm 63% tổng sản lượng xuất khẩu năm 2021.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, xuất khẩu clinker sẽ làm giảm ít nhất 30-35% giá trị sản phẩm và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ phần giá trị gia tăng của xi măng thành phẩm.
Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại nền kinh tế và tăng cường giải ngân đầu tư công được cho là động lực giúp cho ngành xi măng tăng trưởng tại thị trường nội địa, nơi có biên lợi nhuận cao hơn.
VNDIRECT kỳ vọng nguồn cung căn hộ mới tại cả Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đều đã chạm đáy vào năm 2021 và sẽ hồi phục mạnh mẽ lần lượt 40-60% trong năm 2022, nhờ các nút thắt pháp lý trong cấp phép đầu tư dự án mới được nới lỏng và dịch bệnh được kiểm soát tốt giúp hoạt động xây dựng không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ hồi phục nhanh chóng trong thời gian tới nhờ sự hồi phục của thị trường du lịch Việt Nam.
Ngoài ra, một loạt các yếu tố cũng hỗ trợ cho ngành xi măng tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng từ 20 - 30% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ nguồn vốn bổ sung phát triển kết cấu hạ tầng từ gói kích thích kinh tế mới được thông qua; nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới; nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành việc chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính.
Chính phủ cũng cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn trong năm 2022 như Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam...
Do đó, VNDIRECT kỳ vọng nhu cầu xi măng nội địa năm 2022 và năm 2023 sẽ phục hồi mạnh mẽ và sản lượng tiêu thụ cao hơn mức trước dịch, đạt lần lượt 66,5-69,8 triệu tấn, tăng 6% và 5% so với cùng kỳ các năm trước đó.
Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam được cho là sẽ chững lại trong giai đoạn 2022-2023. Thực tế xu hướng này cũng đang diễn ra. Tổng cục Hải quan cho biết, riêng xuất khẩu xi măng và clinker trong tháng 4/2021 đạt 4,31 triệu tấn, tương đương 170,56 triệu USD, giá trung bình 39,6 USD/tấn, giảm 7,6% về lượng, giảm 2,9% về kim ngạch so với tháng 3.
Giới phân tích cho rằng, cần tái cấu trúc ngành xi măng Việt Nam, lấy thị trường nội địa làm động lực tăng trưởng, tăng tính hiệu quả kinh tế theo quy mô, thị trường nội địa sẽ là động lực tăng trưởng chính của ngành.
Mức nền thấp của kết quả kinh doanh 2021 giúp tạo dư địa tăng trưởng cho các công ty xi măng trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế tham vọng trong năm nay với các mức tăng trưởng lớn.
Có thể kể đến các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Xi măng VICEM Hoàng Mai (mã chứng khoán: HOM) đặt kế hoạch năm 2022, lợi nhuận đạt 15 tỷ đồng, tăng tới 455,7% so với năm 2021; Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (mã chứng khoán: BTS) đặt kế hoạch lợi nhuận 83 tỷ đồng, tăng 48,6% so với năm 2021; Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã chứng khoán: BCC) đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 200 tỷ đồng, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Các chuyên gia từ VNDIRECT tin rằng, các doanh nghiệp xi măng niêm yết có thể cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2022 nhờ nhu cầu xi măng tại thị trường nội địa hồi phục, vì đây là thị trường có biên lợi nhuận cao hơn so với thị trường xuất khẩu./.