Doanh nghiệp "xoay sở" giải quyết bài toán điều thô
Dù thị trường liên tục biến động, Việt Nam vẫn luôn giữ vững vị trí là nước chế biến, xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang bất an vì kẹt giữa việc xoay sở nguyên liệu, đơn hàng và tuân thủ các quy định về nhập khẩu, chế xuất.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết: Năm 2023, xuất khẩu điều nhân lập kỷ lục với 644.000 tấn, mang về 3,6 tỷ USD. Tính đến hết tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu điều nhân ước đạt 3,6 tỷ USD. Công suất chế biến của các nhà máy Việt Nam mỗi năm cần khoảng 3 - 3,5 triệu tấn điều thô.
Trong khi đó, sản lượng điều thô trong nước chỉ khoảng 300.000 - 350.000 tấn (tương đương 10%). Như vậy, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm; trong đó, gần 80% từ châu Phi.
Nguyên liệu điều thô châu Phi góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu của ngành điều Việt Nam, song các doanh nghiệp nhập khẩu điều thô từ châu Phi đang gặp vướng từ quy định kiểm soát xuất nhập khẩu và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, theo điểm a, khoản 1, điều 14, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu phải có xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đáp ứng quy định của Việt Nam, làm thủ tục đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, đưa vào danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia châu Phi chưa nằm trong "danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam" của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Như vậy, điều thô từ các nước châu Phi chỉ được phép nhập khẩu làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, không đủ điều kiện để làm thực phẩm tiêu thụ trong nước. Theo Phó chủ tịch Vinacas, quy định này là đúng và cần thiết để tạo hàng rào kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu dùng làm thực phẩm. Song khi áp dụng với nguyên liệu điều thô lại gây khó cho doanh nghiệp. Điều thô nhập khẩu về phải qua kiểm dịch thực vật mới được được đưa vào chế biến. Nhưng dù với bất cứ lý do gì cũng không được chuyển bán nội địa. Nếu vi phạm, doanh nghiệp có thể bị khởi tố vào tội buôn lậu. Theo thống kê của Cục Hải quan Bình Phước, thủ phủ của ngành điều Việt Nam, từ năm 2022 đến nay, cơ quan này đã khởi tố 9 vụ án liên quan đến hành vi buôn lậu điều của các doanh nghiệp trên địa bàn. Điểm chung của các vụ việc là các doanh nghiệp đều nhập khẩu điều thô từ châu Phi với mục đích làm nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu, nhưng sau đó chuyển sang tiêu thụ nội địa (bán cho doanh nghiệp khác) mà không khai báo hải quan. Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước cho biết: Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về gia công, chế biến xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu khi có đầy đủ cơ sở chế biến, hợp đồng xuất khẩu. Trong trường hợp muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đối với nguyên liệu đã nhập khẩu, doanh nghiệp phải khai báo hải quan lại và đóng thuế theo quy định. Về lý thuyết, doanh nghiệp có thể khai báo lại hải quan để chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng thực tế điều thô châu Phi không đủ điều kiện để tiêu dùng trong nước, do đó doanh nghiệp không thể giao dịch với nhau. Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước) chia sẻ: Hoạt động chế biến điều phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên các doanh nghiệp thường tranh thủ mùa vụ ở các nước châu Phi để mua được hàng chất lượng với giá tốt. Dù vậy, việc kinh doanh, xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nửa đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu vì nhà cung ứng điều thô tại châu Phi chậm giao hàng, giao hàng không đạt chất lượng. Theo ông Tạ Quang Huyên, việc áp dụng Nghị định 15/2018/NĐ-CP dù đúng với ngành nghề khác nhưng đang vô tình tạo điểm nghẽn về nguyên liệu đối với nhiều doanh nghiệp điều. Cụ thể, khi mua được nguyên liệu nhưng đối tác xuất khẩu huỷ, hoãn hợp đồng doanh nghiệp không thể bán nguyên liệu cho cho doanh nghiệp khác, cũng không thể chế biến cho tiêu thụ nội địa.Điều này khiến doanh nghiệp phải giữ điều thô trong kho rất lâu, vừa giảm chất lượng, vừa tăng chi phí. Cùng lúc, số doanh nghiệp khác có đơn hàng xuất khẩu nhưng không có nguyên liệu dẫn đến bỏ lỡ cơ hội.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích: Nghị định 15/2018/NĐ-CP được đánh giá là một bước tiến trong chính sách kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam khi chuyển từ hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc kiểm soát chất lượng, an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu là rất cần thiết để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ sản xuất trong nước. Trong khi áp dụng ở ngành điều lại phát sinh những bất lợi nhất định cho doanh nghiệp bởi đây là ngành khá đặc thù, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập từ châu Phi. Cùng đó, thủ tục để các quốc gia châu Phi đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam khá phức tạp và nhiều quốc gia chưa quan tâm đến việc đăng ký xuất khẩu. “Để giải quyết khó khăn trước mắt, Hiệp hội Điều cần chủ động rà soát tác động, thống kê những thiệt hại cụ thể trước mắt và lâu dài mà các quy định gây ra cho ngành hàng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét, điều chỉnh. Trên cơ sở đó có thể đề xuất cơ chế “ngoại lệ” khi áp dụng một số điều thuộc Nghị định 15/2018/NĐ-CP đối với ngành điều hoặc cơ chế cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng điều thô nhập khẩu cho một đơn vị khác có cùng mục đích chế biến xuất khẩu.”, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị. Liên quan đến vấn đề này, Vinacas mới đây đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Tổng Cục Hải quan về việc tháo gỡ vướng mắc trong nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi.Theo đó, Vinacas kiến nghị Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan xem xét đơn phương chấp nhận cho điều thô nhập khẩu từ châu Phi và điều nhân chế biến từ nguồn này được làm các nghĩa vụ tài chính, có thể chuyển bán trong nước với những yêu cầu chặt chẽ về kiểm định an toàn thực phẩm.
Riêng với điều nhân được chế biến từ điều thô châu Phi nhập khẩu đã đủ điều kiện mang xuất xứ Việt Nam theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa. Vinacas kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, vận dụng quy định này để điều nhân được phép chuyển bán trong nước sau khi làm đầy đủ nghĩa vụ tài chính với điều thô nhập khẩu. Về lâu dài, các doanh nghiệp đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng sớm đàm phán với các nước châu Phi để họ làm thủ tục đăng ký điều thô là sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam.Tin liên quan
-
Hàng hoá
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trầm lắng tuần cuối tháng 10
14:25' - 04/11/2024
Nhóm năng lượng dẫn dắt xu hướng suy yếu của toàn thị trường khi giá toàn bộ 5 mặt hàng đều giảm, riêng hai mặt hàng dầu WTI và Brent lao dốc hơn 3%.
-
Đời sống
Tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
19:08' - 26/10/2024
Ngày 26/10, tại Trường Cao đẳng sư phạm Kiên Giang diễn ra vòng bán kết Hội thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang lần thứ IV năm 2024.
-
Kinh tế & Xã hội
Tìm giải pháp đưa miền Bắc thành vùng nguyên liệu khoai tây chủ lực
16:20' - 25/10/2024
Theo ước tính, nhu cầu khoai tây cho các nhà máy chế biến cần 180.000 tấn/năm nhưng sản lượng trong nước mới đáp ứng được 30-40%, còn lại phải nhập khẩu.
Tin cùng chuyên mục
-
Chuyển động DN
Công ty Đóng gói và Tháo kiện THILOGI cung ứng đa dạng sản phẩm pallet gỗ
11:07'
Công ty Đóng gói và Tháo kiện THILOGI thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa bàn giao gần 1.500 pallet gỗ cho các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Tam Thăng (Quảng Nam).
-
Chuyển động DN
Thu thập sinh trắc học trên Agribank Plus - Cơ hội nhận iPhone 16 và nhiều quà hấp dẫn
08:00'
Từ nay đến ngày 13/01/2025, khi khách hàng thực hiện cài đặt sinh trắc học thành công, Agribank sẽ tặng ngay 10 lượt quay số trúng thưởng tại chương trình “Vòng quay may mắn”
-
Chuyển động DN
Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam - Malaysia trong lĩnh vực năng lượng và Halal
13:37' - 23/11/2024
Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Malaysia có chứng chỉ Halal cho khoảng 3.000 sản phẩm.
-
Chuyển động DN
SpaceX phóng thành công hàng chục vệ tinh Internet vào quỹ đạo
10:31' - 22/11/2024
Ngày 21/11, SpaceX - công ty vũ trụ tư nhân của Mỹ thông báo phóng thành công 24 vệ tinh internet Starlink vào quỹ đạo.
-
Chuyển động DN
Hoàn thiện các tiện ích trên dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ khách hàng
17:26' - 21/11/2024
Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước Trà Vinh đã hoàn thiện các tiện ích trên dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ cho người sử dụng.
-
Chuyển động DN
Ford cắt giảm 4.000 việc làm tại châu Âu, đối mặt thách thức chuyển đổi sang xe điện
11:22' - 21/11/2024
Ngày 20/11, hãng sản xuất ô tô Mỹ Ford thông báo kế hoạch cắt giảm 4.000 việc làm tại châu Âu từ nay đến cuối năm 2027.
-
Chuyển động DN
SLP Park Long Hậu được vinh danh Dự án BĐS Công nghiệp Xuất sắc nhất
21:30' - 19/11/2024
SLP Park Long Hậu vừa được vinh danh Dự án Bất động sản (BĐS) Công nghiệp Xuất sắc nhất (Best Industrial Development) tại Giải thưởng BĐS Việt Nam PropertyGuru lần thứ 10 diễn ra ở Tp. Hồ Chí Minh.
-
Chuyển động DN
Thêm nguồn cung DAP chất lượng cao cho nông dân Việt Nam
19:24' - 19/11/2024
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng cao và chi phí cạnh tranh.
-
Chuyển động DN
Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư
18:30' - 19/11/2024
Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, các địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án… kịp thời phản ánh, báo cáo trong việc tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện kế hoạch vốn năm