Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế phát triển kinh tế

14:50' - 19/12/2019
BNEWS Ngày 19/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Ảnh minh họa: TTXVN

Diễn đàn nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan phát động vào tháng 9/2019.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Nguyễn Trọng Điều nêu rõ: Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chấn hưng dân tộc. Trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, đội ngũ doanh nhân tư nhân luôn phát huy trí tuệ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, vượt khó vươn lên kinh doanh thành công, góp phần làm cho đất nước cường thịnh.

Chính vì thế, cộng đồng doanh nhân tư nhân luôn khát khao được đóng góp ý kiến, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng luôn mong muốn Đảng, Nhà nước lắng nghe, thấu hiểu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cùng với đó, Cuộc vận động và Diễn đàn sẽ góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trở thành hiện thực sinh động trong đời sống.

*Cơ chế chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân

Thành tựu kinh tế - xã hội và sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân năm 2018 là tiền đề để thực hiện vượt mức mục tiêu năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân trong đó có hàng nghìn tập đoàn kinh tế. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho rằng, cần có giải pháp về thế chế và quản trị doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm, đồng thời quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, sở hữu chéo, hình thành mối “quan hệ cánh hẩu” giữa doanh nghiệp với ngân hàng, với cơ quan nhà nước.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tập đoàn kinh tế xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện luật pháp liên quan đến huy động vốn, tích tụ và tập trung vốn tạo hành lang phát lý cho hoạt động của tập đoàn; coi trọng đầu tư vốn để có công nghệ hiện đại nhằm tạo lập và quảng bá thương hiệu đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng.

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng cơ chế thuận lợi, thủ tục đơn giản để doanh nghiệp tiếp cận được các quỹ của ngành, của địa phương. Hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước và toàn cầu là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường trong nước, cạnh tranh thắng lợi trên thị trường thế giới.

Nhằm thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienViePostBank Nguyễn Đình Thắng kiến nghị, Nhà nước cần sớm ban hành các luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo để kiến tạo, khuyến khích, hỗ trợ cho sự phát triển ứng dụng công nghệ 4.0, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Luật và các văn bản dưới Luật cần phải đồng bộ, cụ thể, rõ ràng phù hợp cơ bản với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng về chính sách cho các loại hình doanh nghiệp, loại bỏ các văn bản dưới Luật cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, địa phương có chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng công nghệ Việt Nam, sản phẩm Việt Nam chất lượng ứng dụng công nghệ cao.

Về Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, cần sớm đổi mới toàn diện về phương thức, nội dung đào tạo từ bậc tiểu học đến sau đại học, khuyến khích xã hội hóa đào tạo.

Chính phủ có chính sách đồng bộ về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng các Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong các Trường Đại học để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ở mọi ngành, lĩnh vực, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo khả thi và thành công (trong đó tập trung vào lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ), khơi dậy khát vọng khởi nghiệp sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam.

*Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin

Đề xuất về mô hình kinh tế chia sẻ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần xây dựng Gia Thy Phan Hoàng Tuấn kiến nghị, để thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vận hành tốt, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp phát triển, Chính phủ cần phân bổ nguồn vốn đề đầu tư nhanh chóng về cơ sở dữ liệu quốc gia, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin, Big data và có chính sách luật pháp về chia sẻ, quản lý nguồn dữ liệu với các doanh nghiệp tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ.

Cho phép những nguồn lực tài sản công nhàn rỗi được đưa vào tham gia trong mô hình kinh tế chia sẻ nhằm gia tăng hiệu quả của tài sản.

Theo ông Phan Hoàng Tuấn, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của Việt Nam như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ, do đó cần đẩy nhanh trong việc sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành cho phù hợp với yêu cầu quản lý theo từng hoạt động của kinh tế chia sẻ…

Đối với những công nghệ mới, cần đẩy mạnh các loại hình thanh toán sử dụng các công cụ thông minh, điện thoại thông minh, có chính sách, những ưu đãi để quản lý, thúc đẩy Fintech phát triển. Bên cạnh đó, phát triển nhiều kênh thanh toán phù hợp với sự phát triển công nghệ, tiến trình phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại Diễn đàn, đại diện một số bộ, ngành có liên quan, chuyên gia kinh tế; khách nước ngoài và hơn 300 đại diện doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân đã tập trung thảo luận, trao đổi về: giải pháp xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ phát triển nhanh, bền vững, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn đồng hành, lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu các phản ánh khó khăn, vướng mắc và ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân về hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng trên tinh thần mọi cơ chế, chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Diễn đàn này đã phát huy được trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân trong tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; đưa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, nhất là các Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII.

Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao tặng hơn 100 doanh nghiệp, doanh nhân Chứng nhận đã tích cực tham gia Diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế./.

Xem thêm:

>>Kinh tế tư nhân, vì sao “chậm lớn”?

>>Cần hỗ trợ các doanh nghiệp vươn lên thành Tập đoàn mạnh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục