Doanh thu phí hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm như thế nào?

08:48' - 27/01/2022
BNEWS Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đón nhận tín hiệu tích cực từ thông tin thoái vốn nhà nước và tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các doanh nghiệp bảo hiểm từ tháng 8/2021.

Việc biến "nguy" thành "cơ" khi đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số khiến các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ tạo nên "cú chuyển mình" trong đại dịch COVID-19 mà còn được giới phân tích nhận định là cơ sở tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi kinh tế tới đây.

Với quá trình đẩy mạnh kỹ thuật số hiện nay, các chuyên gia tại Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (E-insurance) sẽ dần được hợp pháp hoá cho các sản phẩm bảo hiểm khác khác như bảo hiểm sức khỏe, tài sản thiệt hại, hàng hóa. Do đó, bán hàng qua kênh trực tuyến cũng sẽ dần được đẩy nhanh.

Ngoài động lực chính đến từ nhu cầu được phục hồi, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm có thể đến từ sự hợp tác với các công ty công nghệ tài chính giữa bảo hiểm và công nghệ để tăng cường đổi mới cải tiến trong việc phân tích dữ liệu cũng sẽ giúp các công ty bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối trong tương lai. Điều này sẽ đẩy doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm thời gian tới.

Trước đó, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm chịu ảnh hưởng nặng nề do giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Thống kê dữ liệu của SSI cho thấy, trong quý III/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWP) và doanh thu phí khai thác mới (NBP) của bảo hiểm nhân thọ có mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay là tăng 8,5% và âm 10,5% so với cùng kỳ. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ giảm âm 12% so với cùng kỳ.

Theo đó, một số khâu trong quy trình bán bảo hiểm nhân thọ như kiểm tra sức khỏe và chữ ký trực tiếp của bên mua đã bị gián đoạn trong thời gian giãn cách xã hội. Do đó, ảnh hưởng đến việc ghi nhận doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Riêng đối với bảo hiểm phi nhân thọ, nhu cầu đối với bảo hiểm ô tô xe máy, bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm du lịch, đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu phí bảo hiểm thì ở mức thấp trong kỳ.

Các chuyên gia của SSI quan sát, việc sử dụng cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các thông tin đăng ký xe cơ giới, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, lịch sử tai nạn giao thông có thể giúp các công ty bảo hiểm phân loại khách hàng tốt hơn.

Trong khi đó, Nghị định 03 cũng cho phép công ty bảo hiểm tăng phí tối đa 15% so với mức Bộ Tài chính quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình. Điều này giúp các công ty bảo hiểm có thể tăng phí đối với các hợp đồng có rủi ro cao hơn thay vì áp dụng giá tương đương với tất cả các hợp đồng như trước đây.

Ngoài ra, những thay đổi về quy định giấy chứng nhận điện tử nếu có sẽ tác động tích cực đến kênh bán hàng online. Trong trường hợp này, doanh thu kênh online tăng mạnh, chi phí trung gian cho đại lý, môi giới có thể được tiết giảm dần dần.

Cổ phiếu BIC của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV là mã đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Ảnh: BNEWS phát
Trước đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đón nhận tín hiệu tích cực từ thông tin thoái vốn nhà nước và tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các doanh nghiệp bảo hiểm từ tháng 8/2021.

Cụ thể, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; trong đó, nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành bảo hiểm là 100%. Động thái này đã gỡ bỏ khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán: BMI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện (mã chứng khoán: PTI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (mã chứng khoán: PGI) trong những năm qua khi có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Sau đó, một số công ty đã báo cáo về việc điều chỉnh tỷ lệ FOL với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) lên 100% như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện và 49% như Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH). Hay trong tháng 12, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) đã thoái vốn toàn bộ 22,7% cổ phần tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện.

Trên quan điểm của KIS, thị trường bảo hiểm phi nhận thọ được chiếm lĩnh bởi các công ty thuộc sở hữu nhà Nước. Sự thay đổi về cơ cấu sở hữu và thâm nhập của nhà đầu tư nước ngoài giúp cho triển vọng thị trường hứa hẹn hơn.

Tuy nhiên, phía Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cảnh báo môi trường lãi suất thấp tiếp tục là thách thức đối với tăng trưởng của các doanh nghiệp trên thị trường bảo hiểm.

Theo đó, trình trạng lãi suất thấp kéo dài khiến cho các sản phẩm tài chính mà công ty bảo hiểm nắm giữ, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn và trái phiếu chính phủ đạt mức sinh lợi thấp hơn. Sự ảnh hưởng sẽ mạnh hơn khi tỷ lệ bồi thường có xu hướng tăng khi bước vào "bình thường mới". Các công ty bảo hiểm sẽ phải mở rộng các khoản đầu tư vào loại tài sản với mức sinh lợi tương đối hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh qua đánh giá lại mức độ rủi ro ưa thích với các hợp đồng tái tục và ký mới.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/1, nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm đều ghi nhận sắc xanh, với 7/10 mã tăng bao gồm BMI tăng 4,85%, BLI, BVH tăng gần 3%, BIC, PTI tăng gần 2%…; trong đó, BVH, BIC là các mã đang được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng./.

Diệp Anh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục