Đổi mới tài chính theo hướng vì lợi ích của nền kinh tế

15:17' - 08/01/2021
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, sự phát triển bền vững của đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tài chính năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2021 diễn ra ngày 8/1, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược theo hướng tài chính vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, sự phát triển bền vững của đất nước và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân. 

Thủ tướng lưu ý, năm 2021 còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh còn diễn biến khó lường, đó cũng là thách thức với ngành Tài chính. Toàn ngành phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tài chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, cơ cấu ngân sách nhà nước, phát triển ngân sách quốc gia an toàn, bền vững.
Ngoài nhiệm vụ thu, chi, quản lý ngân sách nhà nước, ngành tài chính cũng phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực đất nước. Đặc biệt, chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo hơn và phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2020.
Thủ tướng chỉ rõ, năm 2021, ngành tài chính thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách để môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, đặc biệt phải đi đầu về kinh tế số, tài chính số.

Cùng đó, làm tốt quản lý thu ngân sách nhà nước, thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, tăng cường chống thất thu, chuyển giá, gian lân thương mại, phấn đấu thu ngân sách tăng tối thiểu 3% so với dự toán; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả,... 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2021 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, năm đầu thực hiện Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, dự báo tình hình thế giới và trong nước cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn ngành tài chính nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước đề ra.
“Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, bám sát chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển” và 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2021 của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ đã ban hành Nghị quyết 01 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021. Bộ Tài chính cũng ban hành Quyết định 01 kèm theo Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, chỉ ra 11 nhóm việc với 61 nhiệm vụ cụ thể. Bộ cũng đã ban hành Quyết định 02 ngày 4/1/2021 kèm theo Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ với 78 sản phẩm đầu ra” - Bộ trưởng nói.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai 7 nhóm giải pháp với 24 nhiệm vụ cụ thể. Qua hội nghị này, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến phát biểu của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, nhất là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hoàn chỉnh các giải pháp, quyết tâm tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm 2021, tạo tiền đề cho giai đoạn 5 năm 2021-2025. 


Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2021 Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp để phấn đấu thu vượt 5% so với dự toán pháp lệnh theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Để đạt được các nhiệm vụ đề ra, ngành thuế sẽ tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; tập trung hoàn thành xây dựng Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách; tiếp tục tổ chức bộ máy cơ quan thuế theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Là địa phương lớn, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 đạt 286.561 tỷ đồng, đạt 102,8% dự toán, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đã hoàn thành vượt mức dự toán Trung ương giao, nhưng một số khoản thu không hoàn thành dự toán.

Đó là,  thu từ sản xuất kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường… đã ảnh hưởng tới cân đối ngân sách của địa phương. 

Do đó, để triển khai dự toán ngân sách năm 2021 và một số giải pháp hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2021, ông Hà Minh Hải cho biết, thành phố Hà Nội thực hiện năm chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, xây dựng 23 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%.
Năm 2020, ngành tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt ứng phó với đại dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cho biết, ước tính, trong năm 2020, ngành tài chính đã gia hạn cho khoảng 185 nghìn lượt người nộp thuế; thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho khoảng trên 6 triệu người nộp thuế, với tổng kinh phí được miễn, giảm, gia hạn khoảng 130 nghìn tỷ đồng.

Cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện 81,8 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính trên 70,6 nghìn tỷ đồng; xử lý thu hồi 25,5 nghìn tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang.
Thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 cũng đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung, tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 23,9% GDP.
Về chi ngân sách nhà nước, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp. Đó là, yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác; chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở; yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương.
"Với kết quả thu, chi ngân sách nêu trên, dự kiến mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 bằng 3,93% GDP ước thực hiện (nếu so với GDP kế hoạch thì bằng 3,64%); số bội chi tuyệt đối tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với dự toán trong khi Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng tối đa 133,5 nghìn tỷ đồng”,  Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục