Đổi mới tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

14:31' - 25/10/2022
BNEWS Theo đánh giá của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam việc giáo dục nâng cao nhận thức chấp hành luật giao thông đường thủy cho người tham gia giao thông là hết sức cần thiết.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông đường thủy nội địa, ra quân ký cam kết thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa cho lực lượng thanh tra chuyên ngành đường thủy khu vực phía Nam.

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thúc đẩy mạnh mẽ nhưng an toàn và bền vững. Trong đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đường thủy nội địa là một nhân tố qua trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Ông Tống Hoàng Kha, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật thuộc phạm vi trách nhiệm về quản lý đường thủy nội địa cơ bản đã tuyên truyền đầy đủ, kịp thời đến lực lượng chức năng cũng như nguời dân.

Tuy nhiên hiện nay, tai nạn giao thông đường thủy nội địa còn xảy ra ở mức cao. Cụ thể trong 9 tháng năm 2022, cả nước đã xảy 26 vụ, làm chết 41 người, bị thương 3 người. Các hành vi vi phạm luật giao thông đường thủy còn phổ biến.

Từ đó, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng việc giáo dục nâng cao nhận thức chấp hành luật giao thông đường thủy cho người tham gia giao thông là hết sức cần thiết.

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lưu ý các đơn vị phải tổ chức tốt công tác điều tra cơ bản về đối tượng cần phải tuyên truyền.

Đồng thời cần phải có sự phối hợp giữa các lực lượng, Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảng vụ đường thủy nội địa, cơ quan đăng kiểm… và các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cảng, bến, chủ phương tiện để mở các lớp tập huấn, tuyên truyền cho các đối tượng tham gia giao thông.

Theo ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy còn phức tạp chủ yếu là do các chế tài nghiêm khắc như tạm giữ phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động cảng, bến tài vi phạm hầu như rất khó thực hiện…

Và yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ cao nhất có thể thể dẫn đến tai nạn giao thông là sự chủ quan, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông đường thủy còn thấp. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng cố ý vi phạm.

Bàn về giải pháp, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ Mai Minh Ngoan cho hay, thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa việc đổi mới về hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp từng đối tượng, vùng, từng thời điểm cụ thể. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu cần được triển khai liên tục và thường xuyên.

Kế đến là triển khai các kế hoạch, đổi mới phương thức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Trong đó, Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với chủ phương tiện, người lái phương tiện thủy thô sơ, xuồng máy đuôi tôm đang hoạt động trái phép, ngang nhiên tại khu vực bến Ninh Kiều, Chợ Nổi Cái Răng,…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục