Đối thoại chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

15:56' - 11/04/2018
BNEWS Đây là một trong các hoạt động thiết thực hưởng ứng sớm Ngày thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28/4) và chuẩn bị cho Tháng hành động quốc gia về an toàn vệ sinh lao động tháng 5/2018.

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động đã tổ chức Đối thoại chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 nhằm bàn thảo về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật.

Quang cảnh “Đối thoại định kỳ năm 2018”. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Cuộc đối thoại là một diễn đàn mở để các bên có liên quan bao gồm các đơn vị quản lý nhà nước, đại diện người lao động và sử dụng lao động đóng góp và trao đổi ý kiến trong việc thực thi và hoàn thiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, đối thoại sẽ góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các bên tham gia và nâng cao hiểu biết về pháp luật an toàn vệ sinh lao động.

Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về An toàn, Vệ sinh lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc “Đối thoại định kỳ năm 2018”. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn, việc đối thoại định kỳ về chính sách an toàn, vệ sinh lao động là hết sức cần thiết, nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, các cơ quan nhà nước. Đối thoại cũng là cơ hội để kịp thời góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật phù hợp với thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 6.400 người chết do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, 680.000 người bị thương khi làm việc. Gánh nặng do thương tích, ốm đau, tử vong dẫn đến những thiệt hại nặng nề về tâm lý, con người và kinh tế, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc đầu tư thỏa đáng vào công tác an toàn vệ sinh lao động ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp doanh nghiệp. Ở Việt Nam, hiện có hơn 1 triệu lao động trẻ bước chân vào thị trường lao động mỗi năm; trong đó lao động ở độ tuổi 15-24 chiếm 15% tổng lực lượng lao động cả nước. Lao động trẻ có tỉ lệ tai nạn lao động cao hơn 40% so với nhóm lao động lớn tuổi hơn.

Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội Chang Hee Lee phát biểu tại “Đối thoại định kỳ năm 2018”. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội cho hay, người lao động trẻ thường thiếu kinh nghiệm làm việc, thiếu việc tập huấn cũng như thiếu những nhận thức về mối nguy hiểm tại nơi làm việc. Chính vì thế, đó là những lý do khiến họ dễ bị tai nạn lao động cao hơn tại nơi làm việc.

Để giúp người lao động trẻ nhận thức được những rủi ro và khả năng tự bảo vệ mình, theo ông Lee, việc giáo dục về mối nguy hiểm và rủi ro cũng như quyền lợi của người lao động tại nơi làm việc nên được bắt đầu tai các trường học, thông qua các chương trình đào tạo nghề… Doanh nghiệp cần được ý thức hơn về những tai nạn lao động dễ gặp tại nơi làm việc. Việc cải thiện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động trẻ chỉ có thể được thực hiện thông qua những nỗ lực tập thể từ nhiều phía như các cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức dân sự và đặc biệt là những người lao động trẻ …

Kiến nghị về một số điều khoản cụ thể trong Luật An toàn, vệ sinh lao động, bà Đào Thị Thu Huyền, thành viên Ủy ban lao động, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đều thực hiện rất đúng và đầy đủ quy định về an toàn lao động, từ phòng ngừa đến khi xảy ra chúng tôi đều có Ủy ban lao động để giúp đỡ cho người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư hầu hết là trong ngành công nghiệp nhẹ, rất ít các công việc nặng nhọc độc hại dẫn đến tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, có một số công việc trong hệ thống luật của Việt Nam đang quy định phạm trù rất chung chung.

“Ví dụ như về độ ồn, bụi, vô hình chung lại quy vào công việc nặng nhọc độc hại. Chúng tôi mong Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định rõ hơn mức giới hạn cho phép của mỗi ngành nghề, điều kiện đi kèm khi có trang thiết bị bảo hộ lao động", bà Huyền nói. 

Về quy định khi điều trị bệnh thì thế nào là điều trị ổn định, bà Huyền cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản mong có hướng dẫn của Bộ Y tế để doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Quang, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã Hội tỉnh Đồng Nai cho hay, trên thực tế, công tác huấn luyện hiện nay tại các doanh nghiệp được thực hiện khá lộn xộn. Một số doanh nghiệp chỉ tổ chức huấn luyện diễn ra trong 30 phút đến 1 tiếng, liệu chất lượng có được đảm bảo? Vì vậy, phía sở đề nghị việc huấn luyện lao động giao cho doanh nghiệp phải đảm bảo quản lý ra sao?

Đối với vấn đề này, đại diện của Cục An toàn Lao động cho biết, quy định của pháp luật đã có, điều kiện để doanh nghiệp tổ chức một khóa huấn luyện với người lao động phải có giảng viên đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật; có chương trình tài liệu đáp ứng đúng điều kiện; thực hiện huấn luyện và bảo đảm thực hành tại đơn vị. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, địa phương phải có trách nhiệm xử lý nghiêm để doanh nghiêp đó rút kinh nghiệm. Thêm nữa, việc tự tổ chức huấn luyện, doanh nghiệp có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức là tự tổ chức huấn luyện nếu có giảng viên hoặc là thuê tổ chức huấn luyện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục