Đối tượng nào được hưởng lợi nhiều nhất trong dịch COVID-19?

11:40' - 16/05/2020
BNEWS Theo Tổng Giám đốc IMF, nền kinh tế số, các nhà cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến... là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh dịch bệnh.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 15/5 đã kêu gọi những công ty công nghệ lớn được hưởng lợi từ sự phụ thuộc ngày càng gia tăng vào các hệ thống trực tuyến trong thời gian cách ly và phong tỏa do dịch COVID-19 cần nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận nền kinh tế số cho tất cả mọi người.

Phát biểu tại một sự kiện do tờ Politico tổ chức, Bà Georgieva cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đang tàn phá nền kinh tế toàn cầu, nhưng nó cũng tạo ra cơ hội để giải quyết tình trạng bất bình đẳng kéo dài lâu nay và nhiều ưu tiên khác, như biến đổi khí hậu, nếu các quỹ cho quá trình phục hồi được tập trung đúng chỗ. Bà bày tỏ hy vọng rằng các công ty công nghệ sẽ xem đây là cơ hội để thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình.

Theo Tổng Giám đốc IMF, nền kinh tế số, các nhà cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến và chính phủ trực tuyến là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh dịch bệnh.

Bà Georgieva cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay và thiệt hại kinh tế mà nó gây ra rất có nguy cơ sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng, và chính phủ các nước cần thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu các nguy cơ này. Chi tiêu chính phủ nhằm giúp các công ty duy trì hoạt động và giữ việc làm cho người lao động trong thời gian dịch bệnh sẽ đóng góp vào sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng kể cả trong trường hợp khả quan nhất là tình hình bắt đầu chuyển biến tốt vào nửa cuối năm 2020, thì kinh tế cũng chỉ có thể phục hồi một phần trong năm 2021.

Người đứng đầu IMF cũng cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 là cơ hội để chính phủ các nước đầu tư vào các biện pháp kích thích tăng trưởng thân thiện với môi trường. Giá dầu thấp cũng là một cơ hội để loại bỏ các chính sách trợ cấp năng lượng “gây hại”, động thái mà bà Georgieva cho là sẽ làm giảm chi tiêu chính phủ giữa lúc khối nợ đang gia tăng nhanh chóng, đồng thời thúc đẩy sức đề kháng trước biến đổi khí hậu.

Bà cũng cho biết các điều kiện về giảm lượng khí thải có thể được đưa vào các chương trình cho vay của IMF./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục