Dồn sức cứu đàn bò sữa Lâm Đồng

17:29' - 09/08/2024
BNEWS Đã 15 ngày trôi qua kể từ khi bệnh tiêu chảy trên bò bắt đầu bùng phát sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục, đến nay đàn bò của hàng trăm hộ dân ở vùng bò sữa Lâm Đồng vẫn đang chết dần.

Hiện chủ những đàn bò tại 4 xã thuộc 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng đang hết sức lo lắng vì chưa tìm ra cách chữa trị, nhiều nhà đã kiệt sức vì chi phí chữa trị quá cao, trong khi tình trạng bò chết tiếp tục tăng cao. Đáng chú ý tới ngày 9/8, tại vùng đồng bào dân tộc K’Ho ở xã Đạ Ròn đã bắt đầu xuất hiện bò chết hàng loạt, trong khi các vùng khác chưa có dấu hiệu bò chết bệnh giảm.

Chiều 8/8 tại thôn Lạc Trường, xã Tu Tra (huyện Đơn Dương), phóng viên TTXVN chứng kiến đàn bò của ông Nguyễn Đình Lâm, 66 tuổi nằm ngay bên tiệm bán thuốc thú y đang bệnh nặng. Trong lúc đó 1 con bò sữa khoảng 400 kg bắt đầu chết.

Ông cho biết đàn bò của gia đình đang rất khỏe. Sau ngày 27/7 đàn bò được chích phòng bệnh viêm da nổi cục. Sau đó khoảng 9- 10 ngày sau bò phát bệnh, cả chuồng 19 con chích ngừa đều bị bệnh hết. Chỉ có 2 con bầu lớn không chích vì sợ sảy thai thì không bị sao. Con bò vừa chết này mỗi ngày cho 30 kg sữa, bán cho nơi điểm thu mua được 450.000 đồng. Giờ cả đàn đều sụt giảm lượng sữa, 6 con bê có triệu chứng nặng.

 

Cách đó không xa cũng tại thôn Lạc Trường, gia đình anh Đinh Sỹ Dũng đang phải nhờ xe có tời đến kéo 1 con bò đem đi tiêu hủy. Chỉ trong ngày 8/8, đàn bò của gia đình anh đã bị chết 2 con đều đang mang thai.

Anh cho biết con bò này nặng tới 800 kg, đang mang thai tháng thứ 8, trị giá khoảng 60 triệu đồng. Gia đình chủ quan biết bò có thai nhưng vẫn cho tiêm vaccine, nên mới bị bệnh. Hiện đàn bò gồm 28 con bò sữa nhà anh đang bệnh nặng mà không biết chữa trị như thế nào.

Đáng chú ý tại xã Tu Tra, nhiều hộ gia đình có bò bị chết mà không tìm được nơi để xử lý, đề phòng lây nhiễm sang những con bò khác. Gia đình ông Nguyễn Đình Hương ở cùng thôn Lạc Trường có bò bị chết mà không biết đưa đi đâu. Hai vợ chồng ông đã phải tự đào hố ngay trong vườn nhà, chỉ cách chuồng bò 20 m. Sau đó xẻ con bò chết ra từng phần để khiêng đi chôn.

Sáng ngày 9/8, người dân từ thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) gọi điện thông báo cho phóng viên TTXVN với nội dung đàn bò sữa trong thôn vẫn tiếp tục chết hàng loạt. Trong 2 ngày 8- 9/8 đã chết hơn chục con. Hiện chính quyền đã hỗ trợ máy múc đào một hố lớn trong núi, cho xe cẩu tới chở số bò chết, đưa đến chôn tại khu vực này.

Tại xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) là điểm tiêm vaccine viêm da nổi cục sau cùng hiện đang bắt đầu xuất hiện tình trạng bò mắc bệnh rồi chết. Anh K’Phên trú tại thôn Đạ Ròn (xã Đạ Ròn) cho biết từ ngày 8 - 9/8 đã có 6 con bò bị chết, là bò của gia đình anh và các hộ K’Vin, K’Sim, K’Nghiệp, K’Ku. Còn trường hợp bò đang “ngáp ngáp” trong thôn rất nhiều…   

Ông Nguyễn Minh Đệ, 57 tuổi ở thôn Kinh Tế, xã Tu Tra cho hay, trước đây mỗi ngày, những gia đình nuôi bò lấy sữa thu trên dưới 10 triệu đồng tiền bán sữa cho các công ty chế biến hoặc điểm thu mua. Khoản thu này đủ để trang trải chi phí chăn nuôi và trả dần nợ vay ngân hàng để đầu tư đàn bò sữa. Còn hiện tại, mỗi ngày gia đình ông chi tới 15 triệu đồng tiền thuốc, vật tư thú y để cứu đàn bò 51 con mà vẫn có 4 con đã chết. Khoản nợ hàng tỷ đồng vay ngân hàng giờ chưa biết tính làm sao…

Những hộ chăn nuôi đang có bò bị bệnh đều than phiền chưa được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng hỗ trợ, chữa trị hoặc ít nhất là có phác đồ điều trị cho đàn bò của gia đình. Họ phải thuê những người làm nghề thú y tự do đến chữa trị, nhưng lực lượng này quá ít và hiện tại đã kiệt sức vì công việc quá nhiều. Hiện tại, các nhà thuốc thú y trên địa bàn đã không còn thuốc và vật tư nữa, nên người dân không biết đi mua ở đâu để tự điều trị.

Anh Đỗ Thanh Việt, nhân viên thú y tự do đang tham gia điều trị cho bò tại thôn Lạc Trường cho hay, bò ở đây bị tiêu chảy và mất nước, xuất huyết đường ruột. Anh em nhân viên thú y địa phương chỉ truyền nước để bù lượng nước mất chứ chưa có hướng điều trị triệt để. Những con nào hấp thụ thuốc tốt, còn sức đề kháng thì khỏe lại còn những con đã yếu đều chết. Tỷ lệ phục hồi ở mỗi trại đều ở mức 50/50. Thực tế cho thấy, những nhà nào tiêm vaccine cho bò thì đều mắc bệnh. Anh em thú y quanh đây chủ yếu đi hỗ trợ bà con cứu được con nào hay con đó…

Cho đến thời điểm này, tất cả các hộ chăn nuôi ở vùng bò sữa Lâm Đồng đều đang nghi ngờ nguyên nhân bùng phát bệnh do tiêm “Vaccine nhược độc đông khô NAVET-LPVAC” do Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO đóng tại Bình Dương sản xuất. Lý do bởi tất cả các vùng chưa tiêm loại vaccine này đều không xuất hiện bệnh tiêu chảy tương tự các vùng đã tiêm. Một lý do khác là nhiều hộ chăn nuôi chỉ tiêm một nửa đàn thì số bò đã tiêm đang mắc bệnh. Số chưa tiêm đang rất khỏe mạnh, cho sữa đều.

Bà Nguyễn Thị Hòa ở thôn Lạc Trường bày tỏ, cả đàn nhà bà có 17 con, trong đó 12 con bò không tiêm vaccine do đang mang thai. Hiện tại những con bò đó vẫn ăn uống, vắt sữa bình thường. Trong khi 5 con bê được tiêm vaccine viêm da nổi cục thì đang bỏ ăn.

Ngày 8/8, Sở Nông  nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng có văn bản thông báo tới các cơ quan báo chí, Đoàn công tác Cục Thú y (Bộ Sở Nông  nghiệp và phát triển nông thôn) cùng Chi cục Thú y vùng V đã có mặt ở Lâm Đồng, phối hợp cơ quan chức năng địa phương đến hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương lấy mẫu sinh phẩm nhằm xác định nguyên nhân hàng ngàn con bò sữa mắc bệnh sau tiêm vaccine viêm da nổi cục.

Nguyên nhân chính sẽ được thông báo chính thức sau khi Cục Thú y và các cơ quan chức năng có kết quả kiểm tra lâm sàng, điều tra dịch tễ, mổ khám, xét nghiệm các mẫu thu thập và kiểm định chất lượng vaccine.

Theo nội dung văn bản này, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng xảy ra từ 26/7/2024. Tính đến 9h ngày 8/8 có 3.703 con (bê, bò sữa) của 163 hộ thuộc 5 xã bị bệnh. Số bò bị chết là 101 con tại 39 hộ, trong đó huyện Đức Trọng 25 con, Đơn Dương 76 con. Nhận định nguyên nhân ban đầu, qua kiểm tra lâm sàng ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết tại khu vực này mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm sau khi tiêm vaccine đã tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây rối loạn đường tiêu hóa…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục