Đồng bằng sông Cửu Long kêu gọi 74 dự án đầu tư

16:20' - 20/11/2015
BNEWS ĐBSCL kêu gọi đầu tư vào 74 dự án tại 13 tỉnh, thành ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp, du lịch, văn hóa, thương mại dịch vụ.

Ngày 20/11, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Cần Thơ đã tổ chức hội nghị Đầu tư vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2015, với chủ đề “Kinh tế ĐBSCL sau năm 2015 – Tương lai kinh doanh và đầu tư ngành chế biến thực phẩm”.

ĐBSCL đã giới thiệu và kêu gọi đầu từ vào 74 dự án ưu tiên vào 13 tỉnh, thành tập trung ở các lĩnh vực như: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghệp chế tạo. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN.

Tại hội nghị, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã giới thiệu và kêu gọi đầu từ vào 74 dự án ưu tiên vào 13 tỉnh, thành tập trung ở các lĩnh vực như: Nông nghiệp (có 13 dự án) ứng dụng công nghệ cao , nuôi trồng thủy sản trên biển.

Công nghiệp chế biến 14 dự án kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm; chế biến bột gạo, tinh bột gạo; các sản phẩm đóng hộp…

Công nghiệp chế tạo có 7 dự án kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất động cơ và lắp ráp máy nông nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng - công nghệ mới ; sản xuất phân bón vi sinh…

Xây dựng đô thị, khu công nghệ, hạ tầng khu công nghiệp (có 14 dự án). Du lịch - Văn hóa (có 11 dự án) kêu gọi đầu tư trung tâm hội nghị , khách sạn tiêu chuẩn 5 sao ; khu du lịch sinh thái… Thương mại, dịch vụ (có 5 dự án).

Vùng ĐBSCL hiện là vùng kinh tế năng động, hàng năm cung cấp hơn 90% sản lượng lúa, 50% lượng thủy sản và nhiều sản phẩm nông thủy sản khác cho xuất khẩu.. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN. 

Ngoài ra, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Long An, Kiên Giang và Vĩnh Long cũng kêu gọi đầu tư vào 10 dự án khác như: Sân bay An Giang ; khu công nghệ thông tin tập trung; trung tâm kho vận và dịch vụ logistic ; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; khu xử lý chất thải rắn. 

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL hiện là điểm đến thụân lợi cho các nhà đầu tư , với nhiều cam kết và ưu đãi cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào các địa phương trong vùng. 

Riêng Cần Thơ sẽ tạo môi trường thuận lợi cao nhất cho nhà đầu tư bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lực lao động, dịch vụ điện nước, thông tin; cải thiện môi trường kinh doanh, các thủ tục hành chính, xem xét giải quyết nhanh các hồ sơ đầu tư; chất lượng môi trường sống, an ninh, an tòan cho công trình sản xuất, cho nhà đầu tư… 

VCCI Cần Thơ cho biết, sau hội nghị các nhà đầu tư trong và ngoài nước có quan tâm đến các dự án trong danh mục ưu tiên của 13 tỉnh , thành trong vùng sẽ được các địa phương phối hợp cùng Câu lạc bộ các Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch vùng ĐBSCL ( MekongPC ) tổ chức cho các nhà đầu tư tham gia vào những đoàn đi khảo sát thực địa để tìm hiểu và tiềm kiếm cơ hội đầu tư cho các dự án.

Nông dân tại Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông xuân. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN.

Theo VCCI Cần Thơ, trong 3 năm 2011- 2014 vùng thu hút dự án FDI với tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD; tăng trưởng kinh tế của vùng giai đoạn 2001 - 2010 trung bình 10% năm , giai đoạn 2011- 2014 trung bình 8,8% /năm. Hiện số doanh nghiệp đang hoạt động là gần 29.000 doanh nghiệp, chiếm 7,7% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Theo đánh giá của VCCI Cần Thơ, vùng ĐBSCL hiện là vùng kinh tế năng động, hàng năm cung cấp hơn 90% sản lượng lúa, 50% lượng thủy sản và nhiều sản phẩm nông thủy sản khác cho xuất khẩu.

Với những lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý cũng như những thành tựu đóng góp cho xuất khẩu đã cho thấy vùng ĐBSCL không chỉ là vùng đất canh tác nông nghiệp truyền thống mà có tiềm năng to lớn của chuỗi ngành chế biến lương thực – thực phẩm. 

Nhận định về triển vọng kinh tế của vùng ĐBSCL trong thời gian tới, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, môi trường kinh doanh được đo lường qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các tỉnh, thành trong vùng được cải thiện mạnh trong năm 2009, 2010, khá ổn định từ năm 2012 đến nay và thường xuyên có 2-3 tỉnh trong vùng nằm trong top 5, từ 5-6 tỉnh trong top 10….

Ông Dũng đưa ra dự đoán, kinh tế vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thập kỷ tới, có thể bằng với mức tăng trưởng chung của quốc gia. Đạt được kết quả đó do các tỉnh, thành trong vùng đã cải thiện nhanh chóng về giao thông, điện; môi trường kinh doanh năng động; chi phí lao động thấp, nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào; nguồn nhân lực tương đối lớn.

Đặc biệt, việc hội nhập quốc tế (FTA, TPP), không gian cho FDI còn rất lớn và với nền tảng nông nghiệp vững chắc sẽ thúc đẩy phát triển những ngành phái sinh từ nông nghiệp và hỗ trợ nông nghiệp như: công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ, cơ khí nông nghiệp, chuỗi cung ứng, dịch vụ nông nghiệp…

Triển vọng đầu tư vào ngành thực phẩm tại vùng ĐBSCL khi Việt Nam hội nhập toàn diện với ASEAN, Hiệp định kinh tế Việt Nam - EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); các ngành sử dụng nhiều lao động và hưởng lợi từ FTA, TPP gồm: may mặc, giày dép, đồ gỗ… 

Dự hội nghị, có 80 đại diện cho các tổ chức xúc tiến, tập đoàn, các công ty tư vấn, tài chính, quỹ đầu tư đến từ các quốc gia như: Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Singaore, Lào, Ấn Độ… và gần 150 doanh nghiệp trong nước.

Thanh Sang/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục