Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 65% diện tích lúa Hè Thu

13:26' - 25/08/2019
BNEWS Đến nay nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 1.050.000 ha lúa Hè Thu, chiếm khoảng 65% diện tích gieo cấy, năng suất bình quân đạt 5,7 tấn/ha, tăng 1 tạ/ha so với cùng kỳ.
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 1.050.000 ha lúa Hè Thu trên tổng diện tích xuống giống là 1.570.000 ha, chiếm khoảng 65% diện tích, năng suất bình quân đạt 5,7 tấn/ha, tăng 1 tạ/ha so với cùng kỳ.

Với diện tích và năng suất nói trên, dự kiến sản lượng lúa Hè Thu năm 2019 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng hơn cùng kỳ khoảng 150.000 tấn, góp phần rất lớn cho việc bù đắp vào sản lượng đã bị sụt giảm trong vụ Đông Xuân vừa qua (khoảng 50.000 tấn).

Dự kiến toàn bộ diện tích lúa Hè Thu 2019 trong vùng sẽ được nông dân thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 9 tới. Hiện tại không có bất cứ địa phương nào trong khu vực sản xuất lúa Hè Thu phải chịu ảnh hưởng do khô hạn hay xâm nhập mặn.

Cũng theo ông Tùng, vụ sản xuất lúa Hè Thu năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long có 2 yếu tố thuận lợi. Đó là dự báo về lũ thấp, lượng mưa ít và trễ hơn cùng kỳ các năm do đó sẽ giúp cho việc thu hoạch lúa không bị thiệt hại năng suất như những năm trước. Mưa trễ cũng không làm cho lúa bị đỗ ngã gây giảm năng suất.

Tuy nhiên, do tình hình xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2019 của các doanh nghiệp không tăng nên nhiều nông dân không mạnh dạn đầu tư cho sản xuất vụ Hè Thu.

Mặt khác, giá lúa hiện tại so với cùng kỳ năm 2018 đã thấp hơn từ 1.000 đến 1.200 đồng/kg và chỉ tăng được khoảng 200 đồng/kg (trong các nhóm giống lúa cùng loại) so với giá lúa của vụ Đông Xuân vừa qua nên không kích thích người nông dân mạnh dạn đầu tư, mặc dù giá lúa hiện tại cũng đảm bảo giúp nông dân đạt lợi nhuận 30% nhưng mức lợi nhuận này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Tùng, do nhiều quốc gia trên thế giới sản xuất lúa cũng đang gặp khô hạn hoặc suy giảm về năng suất nên hy vọng trong thời gian tới, thị trường thế giới sẽ biến động theo chiều hướng tăng giá nhưng sẽ khó tăng đột biến như trong năm 2018 mà nông dân mong muốn.

Để đảm bảo sản lượng lúa cả năm 2019 tương đương hoặc tăng hơn so với năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục giữ diện tích sản xuất lúa vụ 3 (vụ Thu Đông ) tương đương hoặc cao hơn một ít so với năm 2018, tức khoảng 750.000 ha, tăng khoảng 4.000 ha so với năm 2018.

Năm nay, dự báo lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long không cao nên nông dân sản xuất lúa vụ 3 rất thuận lợi, đảm bảo có lãi và ổn định hơn so với chuyển sang cây trồng khác hoặc bỏ không sản xuất lúa. Việc duy trì diện tích lúa vụ 3 ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa tạo sinh kế và lợi nhuận cho nông dân trong mùa lũ, vừa bù đắp cho sản lượng lúa để phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng cho cả nước đồng thời đáp ứng nguồn giống trong vụ Đông Xuân tới không chỉ riêng cho khu vực này mà còn phục vụ cho các khu vực lân cận như Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung đang gặp khó khăn do tình hình khô hạn hiện nay./.

Xem thêm:

>>Hậu Giang ứng phó với lũ để bảo vệ cây lúa

>>Đồng Tháp: Thu hoạch lúa sớm, tránh thiệt hại do lũ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục