Đồng bằng sông Cửu Long: Thừa mà vẫn thiếu gạo

17:38' - 12/12/2017
BNEWS Thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long không phải thừa gạo mà vẫn thiếu gạo. Thiếu cái người mua cần và thừa cái họ không mua.
Các diễn giả trong phiên thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ngày 12/12, tại Cần Thơ, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sự tham dự của hơn 150 đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.

Những năm qua, hoạt động xúc tiến đầu tư – thương mại của khu vực này được lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong vùng đặc biệt quan tâm, qua đó tạo được những đột phá.

Tuy nhiên, theo ông Phú, những hoạt động này vẫn còn hạn chế như liên kết chưa thật sự đi vào chiều sâu, tính hiệu quả chưa cao, vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn thấp, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp chưa cao.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi rất trù phú, rất có tiềm lực.

Hiện nay, gạo sản xuất ra không đủ để bán, có rất nhiều đối tác ở Trung Quốc, châu Âu, Australia... muốn mua gạo của Việt Nam nhưng không có đủ nguồn cung đạt chuẩn để cung ứng, trong khi lượng gạo dư thừa lại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Bình nhận định, điều này chứng tỏ thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long không phải thừa gạo mà vẫn thiếu gạo. Thiếu cái người mua cần và thừa cái họ không mua.

Ông Bình đề xuất, việc cần làm ngay để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm là phải có chuỗi giá trị sản xuất. Đây là việc phải làm đầu tiên. “Chúng ta chỉ cần làm đúng chuỗi giá trị, có hàng hóa sẽ có thị trường và sẽ có đầu ra”, ông nói.

Theo ông Oleg Marinov, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Cộng hòa Bulgaria, trong nhiều năm qua, EU luôn là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 38,4 tỷ Euro; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 29,9 tỷ Euro.

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản. Nguyên nhân bởi nhiều mặt hàng thực phẩm không đạt được vị thế vững chắc trên thị trường EU, mặc dù trong những năm gần đây khu vực này luôn có mức tăng trưởng cao.

Tham tán Thương mại Đại sứ quán Bulgaria cho biết, thị trường EU đặt ra các tiêu chuẩn rất cao về an toàn thực phẩm, trong khi các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như chè, rau, hoa quả và cá còn nhiều hạn chế do dư lượng thuốc trừ sâu.

Ông Oleg Marinov đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh việc tái cấu trúc sản xuất, thay đổi trong canh tác, sản xuất và chế biến để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính như EU.

Tại hội nghị, 10 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Trà Vinh, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang kêu gọi đầu tư vào 54 dự án liên quan đến chế biến lương thực, thực phẩm. Trong đó, Bạc Liêu là nơi kêu gọi đầu tư nhiều nhất với 20 dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục