Đồng loạt mở cao điểm chống khai thác bất hợp pháp IUU

16:05' - 25/09/2024
BNEWS Chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu đang được các địa phương quyết liệt thực hiện để có thể gỡ “thẻ vàng” cho nghề cá Việt Nam.

Trong gần 7 năm, kể từ khi Uỷ ban châu Âu áp "thẻ vàng" IUU với nghề cá Việt Nam, hành trình này chưa bao giờ ngừng nghỉ và càng tiến gần đến thời gian quyết định hoặc gỡ "thẻ vàng" hoặc nguy cơ "thẻ đỏ", các đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng ngư dân càng quyết tâm hơn.

 

Nhiều địa phường mở cao điểm

Thời gian dành cho nghề cá Việt Nam khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định không còn nhiều. Đặc biệt, thời điểm đoàn Uỷ ban châu Âu sang Việt Nam kiểm tra quá trình thực hiện chống khai thác bất hợp pháp IUU và xử lý các tình trạng vi phạm cũng đúng gần kề. Chính vì vậy, nhiều địa phương có biển khu vực phía Nam đang ráo riết mở cao điểm chống khai thác bất hợp pháp.

Tại tỉnh Kiên Giang, địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất cả nước, cũng đã có nhiều cuộc họp chỉ huy các đơn vị ráo riết và quyết liệt thực hiện chống khai thác bất hợp pháp. Theo ông Lâm Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các lực lượng chức năng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử eCDT tàu cá, tăng cường kiểm soát tàu cá ra vào tại các đồn, trạm.

Đồng thời, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU; thực hiện giám sát 100% sản lượng bốc dỡ hàng qua 2 cảng cá chỉ định, bến cá tại các địa phương. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác qua hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử eCDT; ngành nông nghiệp và các địa phương đã nỗ lực trong công tác đăng ký, đăng kiểm đưa vào quản lý đến nay đã có 100% tàu cá đã được đăng ký và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Các địa phương tiến hành đăng kiểm, đánh dấu, đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với 2.708 tàu cá “3 không” và tổ chức rà soát, cập nhật thông tin để đồng bộ hóa dữ liệu nghề cá với dữ liệu quốc gia về dân cư; kiểm tra 5 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thủy sản khai thác vào thị trường châu Âu về công tác xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc, công tác truy xuất nguồn gốc, ông Lâm Minh Thành cho biết thêm.

Tại Cà Mau, ngay từ đầu tháng 9, UBND tỉnh Cà Mau đã lập kế hoạch hành động, huy động lực lượng, tổ chức hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thực hiện quản lý tàu cá; tuyên truyền quy định pháp luật, tổ chức ký cam kết không vi phạm khai thác bất hợp pháp IUU. Cà Mau thực hiện công tác số hóa IUU 100% đối với các tàu cá hết hạn giấy phép khai thác, hết hạn đăng kiểm, tàu cá mất kết nối, tàu cá sang bán nhưng chưa sang tên, tàu cá vượt ranh giới,... lập hồ sơ, có biện pháp theo dõi, quản lý đối với từng đối tượng cụ thể để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá “3 không”, tàu hết hạn giấy phép khai thác, hết hạn đăng kiểm.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, thời gian qua, công tác quản lý chống khai thác IUU được tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp. Ban Chỉ đạo về chống khai thác bất hợp pháp IUU tỉnh Cà Mau họp thường xuyên, phân công từng ngành, địa phương theo dõi sát nắm bắt tình hình để kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh. Ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai đăng ký, quản lý các tàu cá thuộc diện “3 không”. Hiện, đã công bố danh sách, niêm yết tại các địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng tăng cường xử lý vi phạm, xử lý tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới, tàu hết hạn giấy phép, tàu hết hạn đăng kiểm còn hoạt động trên biển, không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định, tàu thuộc diện giải bản nhưng vẫn hoạt động; điều tra, làm việc trực tiếp với chủ tàu nghi vấn và đấu tranh, chứng minh nhằm cảnh báo, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá tháo, gửi thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khác, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thành lập tổ công tác chuyên biệt chống khai thác IUU

Cùng với các địa phương phía Nam thực hiện ráo riết chống khai thác bất hợp pháp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thành lập Tổ chuyên biệt chống khai thác bất hợp pháp IUU để khắc phục những cảnh báo của Ủy ban châu Âu nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" thủy sản.

Cụ thể, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định thành lập Tổ chuyên biệt chống khai thác bất hợp pháp do Chỉ huy trưởng làm Tổ trưởng, đồng thí Chính ủy làm Tổ phó thường trực nhằm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời xử lý các tình huống. Theo đó, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã điều động 3 kíp tàu, 3 ca nô và 25 lượt cán bộ, tập trung rà soát, xác minh, củng cố, bổ sung đầy đủ hồ sơ, giải quyết dứt điểm đối với các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp IUU, kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu cá khi chưa đầy đủ các loại giấy tờ.

Đại tá Đặng Cao Đạt, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dự kiến Ủy ban châu Âu sẽ thực hiện đợt kiểm tra lần thứ 5 vào tháng 10/2024 về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Đây là giai đoạn nước rút để Việt Nam khắc phục những cảnh báo của Uỷ ban châu Âu nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" thủy sản. 

Tính đến ngày 20/9, toàn tỉnh có 4.345 tàu cá, trong đó các đơn vị trong Biên phòng tỉnh đã cập nhật lên phần mềm "quản lý, kiểm soát tàu cá và nhắn tin truyền thông cho chủ tàu" được 3.519 tàu, đạt 81%. Hiện còn lại 826 tàu cá chưa cập nhật do một số tàu đã bán ra ngoài tỉnh, chìm hoặc mục nát. Đối với tàu cá "3 không": không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép trên địa bàn tỉnh có 1.140 tàu, trong đó 15 tàu đã được cập nhật giấy tờ, 575 tàu đang thực hiện thủ tục cấp giấy tờ.

Với thực trạng khai thác, đánh bắt của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu, dù quyết liệt triển khai đồng bộ, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách về chống khai thác bất hợp pháp IUU nhưng vẫn còn một số trường hợp mất kết nối, việc xử lý hồ sơ tàu cá mất kết nối, đậu bờ chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả cao; công tác xử lý các vi phạm chưa dứt điểm, chưa đáp ứng được yêu cầu về chống khai thác bất hợp pháp…

Chính vì vậy, Tổ chuyên biệt chống khai thác bất hợp pháp IUU ra đời để kiện toàn Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU và thành lập 4 nhóm xác minh để xử lý tàu cá mất kết nối trên 6 giờ đến dưới 10 ngày, quyết liệt trong xử lí các tình huống vi phạm khai thác bất hợp pháp để nhanh chóng cùng cả nước gỡ thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu, Đại tá Đặng Cao Đạt cho biết thêm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục