Động lực bứt phá ngành công nghiệp

13:42' - 05/04/2019
BNEWS Theo Bộ Công Thương, các quý còn lại của năm, Bộ sẽ tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành công nghiệp.
Quý I, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 11,1% . Ảnh: TTXVN
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, các quý còn lại của năm, Bộ sẽ tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ sẽ sớm hoàn thành các dự án sản xuất công nghiệp đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; trong đó, tập trung vào các dự án lớn, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng. Đó là, dự án Formosa dự kiến phát huy hết công suất trong năm nay; dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để vận hành đủ công suất ngay trong năm; dự án thép Hòa Phát tại Dung Quất, dự kiến tăng thêm 3 triệu tấn.

Đồng thời, Bộ thúc đẩy nhanh các dự án lớn trong ngành của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vinfast...Từ đó, góp phần gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ thúc đẩy việc ký kết hợp đồng dài hạn giữa Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam với các hộ tiêu thụ than để làm căn cứ xây dựng kế hoạch khai thác than dài hạn và khả thi... Riêng đối với ngành dệt may, da giày, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ nhanh chóng hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, cũng như phù hợp với tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (dự kiến ban hành trong năm 2019).

Bộ cũng sẽ xây dựng các giải pháp xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm dệt may Việt Nam tại Hoa Kỳ và các thị trường quốc tế, chuẩn bị nguồn hàng hóa nhằm khai thác có hiệu quả các thị trường khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Đặc biệt, Bộ hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, đồng thời chú trọng khâu thiết kế mẫu mã, phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa, tăng trưởng xuất khẩu.

Đối với ngành công nghiệp ô tô, phân bón, Bộ Công Thương sẽ có sự phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ và Quốc hội sớm sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Cùng đó, Bộ ban hành sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao; đề xuất bổ sung dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; trong đó, có dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy – vào đối tượng hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư.

Lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty Ford Việt Nam, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Trần Việt - TTXVN 
Đại diện doanh nghiệp ngành cơ khí, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí SKD cho hay, năm 2019, thị trường ngành cơ khí có nhiều yếu tố khả quan; trong đó, phải kể đến các giải pháp hỗ trợ đối với ngành cơ khí, chế tạo, kết nối tạo thị trường. Các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm đầu ra sản phẩm, liên kết tăng sức cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép năm 2019 dự kiến có sự tăng trưởng tốt; trong đó, dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 sẽ đi vào vận hành hết công suất 2 lò cao đạt 7,5 triệu tấn/năm (năm 2018 mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn); thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2019, nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép. Do đó, dự kiến mức tăng trưởng sản lượng thép các loại năm 2019 khoảng 10% so với năm 2018.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, quý I/2019 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp hơn mục tiêu đề ra của Bộ Công Thương, tăng 11,1% (mục tiêu là 12%) và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 15,7%). Tuy nhiên, đây vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Nguyên nhân tăng trưởng của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp chủ yếu do một số dự án lớn có đóng góp cho tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp như: Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố về điện nên đã phải tạm dừng sản xuất trong tháng 2. Doanh nghiệp Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên sản lượng và xuất khẩu chỉ tăng nhẹ (khoảng 1,02%), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

Tăng trưởng của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I chủ yếu đến từ các ngành do doanh nghiệp trong nước sản xuất như: ngành sản xuất xe có động cơ; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; trong đó, có một số ngành tăng trưởng rất cao như: sản xuất kim loại (tăng 37,3%), sản xuất xe có động cơ (tăng 20,8%).

Bộ Công Thương đánh giá, dù tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Việt Nam là khá cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục