Động lực mới cho “Đổi mới” (Bài 1)

15:08' - 09/09/2015
BNEWS Dư địa cho mô hình tăng trưởng chiều rộng đã không còn phù hợp với tình hình mới, đòi hỏi phải có thay đổi bước ngoặt và cấp thiết.

Dấu son “Đổi mới” đã trải qua khoảng thời gian 30 năm – cùng với đó, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Từ một nền kinh tế phải tái thiết sau chiến tranh với bộn bề những khó khăn, Việt Nam đã lột xác vươn mình ra thế giới. Đến nay, Việt Nam đã tham gia mạnh mẽ vào các liên kết kinh tế khu vực và thế giới trên nhiều cấp độ, đặc biệt là hình thành các quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế.

Bài 1: Dấu ấn và sức ép mới

Nhìn lại chặng đường của 30 năm “Đổi mới”, có những thuận lợi, có những khó khăn song có thể thấy từ một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế tập trung bao cấp, Việt Nam từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Cải cách đã trở thành động lực cho đổi mới, phát triển kinh tế.

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được thể chế hóa.

Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tư tưởng, đường lối đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước được thể chế hóa thành pháp luật, cơ chế, chính sách.

Trong 30 năm đổi mới, Quốc hội đã ba lần sửa đổi mới và ban hành trên 150 bộ luật và luật. Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành trên 70 pháp lệnh, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển đổi.

Các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế và chế độ phân phối đã phát triển đa dạng. Kinh tế nhà nước từng bước phát huy vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể bước đầu được đổi mới; kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đóng góp ngày càng lớn cho GDP.

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế.

Với Nghị quyết số 10 NQ-TW về Đổi mới quản lý nông nghiệp, Khoán 10 ra đời thừa nhận “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ”, thực hiện giao ruộng khoán cho hộ dài ngày cho hộ nông dân quyền tự chủ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Từ đây, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển ngoạn mục, từ chỗ thiếu ăn triền miên, đến chỗ vừa bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ, vừa xuất khẩu gạo mỗi năm từ 1 đến 1,5 triệu tấn và tiến dần lên tới 4 đến 4,5 triệu tấn những năm sau đó.

Luật Doanh nghiệp ra đời, các công ty tư nhân xuất hiện, hoạt động nội thương, ngoại thương được cởi trói, không còn phải thông qua “ủy thác” với doanh nghiệp nhà nước.

Với Luật Đầu tư nước ngoài, Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư, công nghệ, khoa học quản lý từ các đối tác tư bản.

Hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Các yếu tố thị trường và các loại thị trường đang hình thành, phát triển. Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường thế giới.

Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu, độ mở kinh tế ngày càng lớn tạo sức ép ngày càng với cải cách.

Có những giai đoạn kinh tế đạt mức tăng trưởng cao và đã có những nhận xét lạc quan rằng nước ta sẽ trở thành con hổ mới ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2008 – dấu mốc của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới – kinh tế việt Nam tăng trưởng chững lại và xuất hiện nhiều vấn đề mới phát sinh.

TS Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Những nỗ lực, quyết sách của Chính phủ từ năm 2011 đã giúp nền kinh tế dần ổn định, tuy nhiên khó khăn vẫn còn hiện hữu như tốc độ tăng trưởng còn chậm, thấp hơn tiềm năng, sức cầu giảm, hệ thống tài chính ngân hàng còn nhiều bất cập, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn”. Nền kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu; thiếu bền vững.

Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu, độ mở nền kinh tế ngày càng lớn tạo sức ép ngày càng lớn với cải cách.

Dư địa cho mô hình tăng trưởng chiều rộng dựa vào sức lao động đông, trình độ thấp, giá rẻ và khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đã không còn phù hợp với tình hình mới, đòi hỏi phải có thay đổi bước ngoặt và cấp thiết.

Nguyễn Huyền

Xem tiếp bài 2

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục