Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

11:24' - 08/12/2023
BNEWS Bắt kịp về công nghệ là cơ hội cho Việt Nam vì đây là con đường phát triển duy nhất với Việt Nam, tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và dự báo kinh tế  - Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, để phát triển kinh tế bền vững, việc ứng dụng khoa học và công nghệ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Phát triển công nghệ cao là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế nước ta.

Hiện nay, khoa học và công nghệ thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất về các loại thuế, phí. Thậm chí, lĩnh vực này còn được hỗ trợ thêm về hạ tầng, đào tạo, tín dụng; trong đó, phát triển công nghệ bán dẫn ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Trong năm 2021, có 0,13% tổng số doanh nghiệp tham gia vào công nghệ bán dẫn và đóng góp 3% tổng giá trị gia tăng. Với kết quả này, tỷ trọng trong giá trị gia tăng của doanh nghiệp có tham gia vào công nghệ bán dẫn đã tăng 2,04% kể từ năm 2011.

PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (IoIT), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là "đòn bẩy" quan trọng để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bắt kịp về công nghệ là cơ hội cho Việt Nam vì đây là con đường phát triển duy nhất với Việt Nam, tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế, chuyển từ công nghệ thay thế sang công nghệ hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu, tức tạo ra giá trị gia tăng cao hơn thông qua đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, tình hình địa chính trị thế giới gần đây và cạnh tranh về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghệ cốt lõi mới đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh cách tiếp cận. Việt Nam cần chuẩn bị điều kiện (vốn, nhân lực, cơ chế khuyến khích) phù hợp với sự thay đổi của dòng đầu tư.

 

Về thực trạng ngành bán dẫn ở Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Trường Thắng nhận định, ngành bán dẫn ở Việt Nam mới chỉ đang bắt đầu, năng lực trong ngành còn rất hạn chế. Tuy nhiên, nhu cầu về công nghệ bán dẫn đang ngày càng tăng lên.

Ông Nguyễn Trường Thắng cho rằng, bất kì một thiết bị hay chương trình thông minh nào cũng đều cần đến bán dẫn. Trong lâu dài, Việt Nam cần phải quan tâm nhiều hơn để tự chủ về bán dẫn, tránh phụ thuộc vào nước ngoài.

Còn về nguồn lực, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm (loại đất sản xuất chất bán dẫn) lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu thô, chưa ứng dụng công nghệ để chế biến và gây lãng phí tài nguyên. Trong tương lai, việc ứng dụng khoa học để chế biến đất hiếm, sản xuất chất bán dẫn cho máy móc sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với việc khai thác và xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành bán dẫn là lĩnh vực đòi hỏi lớn về yếu tố sáng tạo, hàm lượng kiến thức và chi phí đầu tư cao. Trong số các lựa chọn về ngành bán dẫn, điện tử dân dụng được cho là khả quan nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện tại với mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Để có được sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Viện trưởng CIEM Trần Hồng Minh cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách, chiến lược điều hành, phát triển kinh tế phù hợp nhằm tận dụng lợi thế từ những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 nhằm vượt qua khó khăn, thách thức mới…

Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024, chúng ta phải có linh hoạt các giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức đang gặp phải. Thực tế, quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng… đang mang đến những cơ hội mới để Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hoá, cũng như thúc đẩy xuất khẩu…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục