Đồng Nai đưa cây điều và cà phê vào danh sách sản phẩm nông nghiệp chủ lực

11:54' - 19/07/2019
BNEWS Đề án đưa ra 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để Đồng Nai ưu tiên phát triển. Đáng lưu ý, mặc dù cây điều, cà phê dù không phải là thế mạnh của địa phương nhưng vẫn nằm trong danh sách này.
Nông dân thu hoạch cà phê. Ảnh: TTXVN

Trung tâm tư vấn Chính sách Nông nghiệp (thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) vừa hoàn thành dự thảo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo đó, Đề án đưa ra 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để Đồng Nai ưu tiên phát triển. Đáng lưu ý, mặc dù cây điều, cà phê dù không phải là thế mạnh của địa phương nhưng vẫn nằm trong danh sách này.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Đồng Nai cho biết: Hiện nay tại Đồng Nai có rất nhiều loại cây ăn trái cho năng suất cao, nông dân thu lãi mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng/ha.

Trong khi đó, giá trị sản xuất của cây điều, cà phê lại rất thấp, mỗi héc ta nông dân chỉ thu lãi trên dưới 50 triệu đồng/năm. Vì vậy, nếu chọn đây là sản phẩm ưu tiên thì rất khó thuyết phục nông dân đầu tư, mở rộng diện tích.

Đồng quan điểm này, theo ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, cây điều, cà phê không phải là cây thế mạnh của Đồng Nai.

Bởi vậy, khi chọn đây là sản phẩm chủ lực tỉnh sẽ phải đầu tư thực hiện nhiều giải pháp đột phá như tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, tập trung khoa học kỹ thuật, chế biến sâu.

Do đo, việc đầu tư quá mạnh cho cây điều, cà phê (hiệu quả mang lại chưa rõ ràng) gây ra bất cập, tỉnh không còn nguồn lực phát triển những cây trồng thế mạnh khác.

Ông Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn Chính sách Nông nghiệp cho rằng: Ngành điều, cà phê của Đồng Nai đang gặp khó khăn, diện tích cũng như sản lượng 2 loại cây này liên tục giảm trong những năm qua; công nghiệp chế biến điều còn hạn chế.

Tuy nhiên, điều, cà phê Đồng Nai vẫn có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh như giá thành sản xuất thấp, chất lượng cao thuộc top đầu thế giới. Vì thế, tỉnh cần tăng diện tích, đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu để cho ngành điều, cà phê phát triển.

Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai là cần thiết, giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, từ đó tăng giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Cây điều có thể trồng ở những vùng đất xấu, trước đây được xem là cây “xóa đói, giảm nghèo” của Đồng Nai.

Hiện nay, do giá trị kinh tế mang lại thấp nên diện tích điều bị thu hẹp, toàn tỉnh chỉ còn gần 40.000 ha (trước là 44.000 ha). Công nghiệp chế biến điều trên địa bàn tỉnh vẫn còn thô sơ, chủ yếu mua nguyên liệu rồi về bóc, tách.

Với cây cà phê, Đồng Nai có diện tích ít, người dân không mặn mà đầu tư do lợi nhuận thấp. Do đó, trong tỉnh có một số doanh nghiệp chế biến sâu cà phê nhưng nguyên liệu sản xuất chủ yếu nhập từ các vùng khác hoặc từ nước ngoài.

Ông Võ Văn Chánh cho rằng, tới đây, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ đề nghị đơn vị tư vấn xem xét, lựa chọn các mặt hàng trái cây, vốn đang là thế mạnh của Đồng Nai đưa vào đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho người dân.

Hơn nữa, tỉnh có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, diện tích lớn như bưởi, sầu riêng..., riêng cây chôm chôm của tỉnh đã có chỉ dẫn địa lý.

Trong dự thảo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai có 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là hồ tiêu, điều, cà phê, lợn và gà.

Theo đánh giá của ngành chức năng, với hồ tiêu, lợn, gà dù hiện nay còn khó khăn nhưng đây là thế mạnh của Đồng Nai.

Nếu giải quyết được vấn đề đầu ra, thu hút được doanh nghiệp chế biến đầu tư, tương lai các sản phẩm này rất phát triển, có thể đưa Đồng Nai đạt được mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục