Nông dân Trà Vinh mở rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh

11:36' - 19/07/2019
BNEWS Vụ nuôi tôm ở các vùng ven biển Trà Vinh năm nay có nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh.

Đây là mô hình đã triển khai thành công và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao trong 2 năm 2017 - 2018.

Ao nuôi tôm của hộ nông dân. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tính đến nay, tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải đã có hơn 400 hộ nuôi tôm siêu thâm canh với 227 ha mặt nước, tăng gấp 3 lần về diện tích so với năm 2018.

Huyện Cầu Ngang có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh lớn nhất với 148 hộ nuôi - tăng gần 53 hộ với diện tích nuôi hơn 55 ha, tăng khoảng 9 ha.

Ông Lê Văn Phi - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết, năm nay, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh là do mô hình nuôi tôm này được thực hiện thành công trong 2 năm qua, cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các hình thức nuôi khác. Nông dân cũng đã nắm vững về quy trình kỹ thuật nuôi.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ở tỉnh Trà Vinh được thực hiện đầu tiên vào năm 2017, do Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đầu tư và hỗ trợ thực hiện.

Tham gia mô hình này, người nuôi được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hướng dẫn thực hiện toàn bộ về quy trình kỹ thuật nuôi như: xây dựng hệ thống ao nuôi, mật độ thả con giống nuôi, phương cách lắp đặt hệ thống máy móc quản lý môi trường nước, cho tôm ăn…

Hiệu quả của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong 2 năm vừa qua cho sản lượng 50 - 55 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/ha, cao gấp 3 lần so với nuôi tôm thâm canh.

Ông Phan Văn Hận, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang là một trong số những hộ được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hỗ trợ và đã thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm liên tiếp trong 2 năm vừa qua với diện tích 3.200 m2.

Để thực hiện, trước hết, người nuôi phải có diện tích đất lớn để xây dựng một hệ thống ao đúng quy trình kỹ thuật gồm: ao nuôi, ao xử lý nước, ao chứa nước thải.

Bình quân chi phí đầu tư xây dựng cho 1 ha mặt nước ao nuôi tôm thẻ siêu thâm canh cần khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới bao phủ ao tôm, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống phao, ô - xy đáy, thức ăn, thuốc thủy sản, con giống. Mật độ thả tôm giống nuôi từ 150 - 170 con/m2.

Trong quá trình nuôi, việc cho tôm ăn hoàn toàn được thực hiện bằng máy tự động để tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao…

Với phương cách này, tôm phát triển đồng đều, tăng năng suất gấp 2 - 3 lần so với nuôi tôm thâm canh ao đất, ông Hận cho biết.

Do nguồn vốn đầu tư lớn, yêu cầu về mặt kỹ thuật cao nên ngành nông nghiệp Trà Vinh không khuyến khích nông dân thực hiện nuôi tôm siêu thâm canh khi chưa có hội đủ các điều kiện.

Việc mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh cần tuân thủ thực hiện tại các vùng đã được quy hoạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục