Đồng Nai miễn, giảm gần 12.000 tỷ đồng lãi vay

14:39' - 26/06/2022
BNEWS Các tổ chức tín dụng ở Đồng Nai đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay cho khoảng 27.000 doanh nghiệp, hộ kinh tế với tổng giá trị nợ lũy kế gần 12.000 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến cuối tháng 6 này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đồng Nai đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay cho khoảng 27.000 doanh nghiệp, hộ kinh tế gia đình với tổng giá trị nợ lũy kế là gần 12.000 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng triển khai cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch với doanh số lũy kế đạt khoảng 318.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng thương mại còn hỗ trợ khó khăn cho khách hàng thông qua các gói sản phẩm cho vay với lãi suất ưu đãi theo đối tượng khách hàng, chủ động cân đối nguồn vốn để giảm lãi, phí cho người vay.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đánh giá, do dịch COVID-19, từ giữa năm 2020 đến năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp ở Đồng Nai phải tạm ngưng sản xuất, đứng trước nguy cơ phá sản, không có khả năng trả các khoản vay.

Trước tình hình này, các tổ chức tín dụng trong tỉnh đã kịp thời triển khai việc miễn, giảm lãi vay, cho vay với lãi suất thấp, điều này giúp doanh nghiệp, hộ gia đình ổn định, duy trì sản xuất, từ đó tiếp tục phát triển, có cơ hội trả nợ ngân hàng.

Sự hỗ trợ về vốn giúp kinh tế Đồng Nai phát triển, tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Hiện các tổ chức tín dụng trong tỉnh vẫn đang theo dõi sát diễn biến tình hình, triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại do tác động của dịch COVID-19, thực hiện nhiệm vụ phục hồi kinh tế, ổn định xã hội.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, bên cạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, những tháng đầu năm 2022, các tổ chức tín dụng ở Đồng Nai củng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường cho vay đối với những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Hiện dư nợ cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 6/2022 đạt 89.500 tỷ đồng, cho vay xuất nhập khẩu đạt hơn 42.000 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 62.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay các lĩnh vực này tăng từ 4 - 13% so với cuối năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục