Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến cơ cấu hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

19:10' - 11/07/2025
BNEWS Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 1.176 quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố, với gần 2 triệu thành viên tham gia. Tổng tài sản hệ thống đạt 191,5 nghìn tỷ đồng.
Chiều 11/7, tại thành phố Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi đại diện lãnh đạo các địa phương, quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng nhà nước các khu vực phía Nam về dự thảo Đề án "Cơ cấu lại tổng thể hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và ngân hàng hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030 định hướng đến năm 2045".

Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân được thành lập từ năm 1993 với mục tiêu cốt lõi là huy động nguồn lực trong cộng đồng để tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt tại khu vực nông thôn - nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ tài chính.

Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã từng bước được mở rộng và củng cố, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hỗ trợ an sinh xã hội ở cơ sở.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn, quá trình phát triển của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: có dấu hiệu hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích của mô hình hợp tác xã; năng lực tài chính, quản trị và điều hành còn yếu; tính liên kết hệ thống chưa chặt chẽ... Những bất cập này cần sớm được khắc phục, hoàn thiện để hệ thống quỹ tín dụng nhân dân thực sự gắn với thành viên, cộng đồng dân cư, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết quan trọng nhằm định hướng phát triển toàn diện nền kinh tế, kinh tế tập thể, hợp tác xã; trong đó, có hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Đặc biệt, quá trình cải cách thể chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính và chuyển đổi số toàn diện không chỉ tạo động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các tổ chức kinh tế; trong đó, có hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, phải đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh phát triển mới của đất nước, là đòi hỏi sống còn trong quá phát triển.

Theo ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước), với sự phát triển nhanh của công nghệ và làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trong các tổ chức tín dụng, rất cần nguồn nhân lực có chất lượng và trình độ cao, am hiểu về công nghệ, trong khi nguồn nhân lực tại các quỹ tín dụng nhân dân lại hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Điều này, sẽ có tác động không nhỏ đến thị phần khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân trong thời gian tới.

Vì thế, việc cơ quan quản lý vẫn tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn về an toàn thông tin cho quỹ tín dụng nhân dân có thể sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả không cao, không đạt được kỳ vọng của cơ quan lý.

Ông Hải đề xuất cần xem xét chuyển quỹ tín dụng nhân dân từ tổ chức phải chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ của quỹ trở thành chủ thể có vai trò khai thác ứng dụng nghiệp vụ dựa trên hạ tầng công nghệ thông tin do tổ chức khác (có đủ năng lực) cung cấp, quản trị, vận hành. Các quỹ tín dụng nhân dân cũng có thể áp dụng mô hình kiến trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các ngân hàng thương mại cổ phần.

“Các giải pháp này sẽ giúp giải quyết được tình trạng vi phạm văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công nghệ thông tin tại các quỹ tín dụng nhân dân. Các nguy cơ mất an ninh, an toàn, bảo mật thông tin của các quỹ tín dụng nhân dân sẽ được khắc phục bởi một tổ chức có đủ nguồn lực về vốn và con người có chất lượng cao”, ông Hải nhận định.

Xuất phát từ những khó khăn của Ngân hàng Hợp tác xã (Co-opBank), bà Đặng Mai Phương, thành viên Hội đồng quản trị Co-opBank đề xuất các cục, vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động của ngân hàng hợp tác xã đối với quỹ tín dụng thành viên theo hướng giao ngân hàng hợp tác xã có đủ thẩm quyền đảm bảo thực hiện được vai trò đầu mối liên kết hệ thống, đầu mối trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán và hỗ trợ hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về một số nội dung và giải pháp quan trọng cho dự thảo Đề án như: Định vị lại phân khúc hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân trong tổng thể hệ thống tổ chức tín dụng và hướng đến thành viên, cộng đồng dân cư còn khó khăn; tổng kết, nghiên cứu, ban hành Luật riêng về tổ chức tín dụng là hợp tác xã; tăng cường năng lực quản trị, điều hành và tài chính cho quỹ tín dụng nhân dân và ngân hàng hợp tác xã; tổ chức lại ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phù hợp với phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã...

Tính đến cuối năm 2024, cả nước có 1.176 quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố, với gần 2 triệu thành viên tham gia. Tổng tài sản hệ thống đạt 191,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức rất thấp 0,68%, lợi nhuận toàn hệ thống tăng cao, phản ánh hiệu quả quản lý và sự tin tưởng ngày càng lớn của cộng đồng.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn giai đoạn 2021 - 2025, nhận diện rõ các tồn tại, hạn chế của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và ngân hàng hợp tác xã; đồng thời, tiếp thu đầy đủ các định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án “Cơ cấu lại tổng thể hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045”. Mục tiêu của Đề án là đề xuất các giải pháp mang tính tổng thể, đột phá nhằm cơ cấu toàn diện hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển trong giai đoạn mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục