Đồng Nai thống nhất phương án làm cầu Cát Lái kết nối với Tp. Hồ Chí Minh

20:24' - 30/12/2024
BNEWS Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai làm việc với các đơn vị liên quan về phương án xây cầu hoặc hầm Cát Lái vượt sông kết nối với Tp. Hồ Chí Minh.

Chiều 30/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai làm việc với các đơn vị liên quan về phương án xây cầu hoặc hầm Cát Lái vượt sông kết nối với Tp. Hồ Chí Minh. Đây là dự án làm cầu vượt sông thay thế phà Cát Lái đã được bàn thảo trong nhiều năm qua.

 

Tại cuộc họp, sau khi phân tích, cân nhắc những ưu điểm, hạn chế giữa việc xây dựng cầu và hầm vượt sông, các ngành chức năng của Đồng Nai đều thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái. Về hướng tuyến đường dẫn lên cầu địa phận tỉnh Đồng Nai, các đơn vị chọn phương án hướng tuyến điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch, cơ bản bám theo hướng tuyến quy hoạch.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, các đơn vị đã thêm phương án xây dựng hầm vượt sông. Tuy nhiên, hầm vượt sông có chi phí xây dựng lớn, sau này việc vận hành, bảo dưỡng hầm rất tốn kém. Tỉnh Đồng Nai chọn phương án xây dựng cầu Cát Lái, việc làm cầu giúp tiết kiệm chi phí, trong khi vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật. Đồng thời, hướng tuyến điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch là hợp lý, hướng tuyến này không ảnh hưởng đến các di tích lịch sử.

Bà Nguyễn Thị Hoàng giao Sở Giao thông vận tải Đồng Nai và đơn vị tư vấn làm việc với ngành chức năng Tp. Hồ Chí Minh để thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái. Các đơn vị xem xét, hoàn thiện hướng tuyến dẫn lên cầu Cát Lái, hạn chế tối đa tuyến đường đi qua các công trình tôn giáo, chồng lấn với các quy hoạch khác.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án thay thế phà Cát Lái gồm: xây cầu; hầm dìm và hầm khoan vượt sông. Tất cả các phương án này đều bao gồm phần cầu và đường dẫn 2 đầu cầu (gọi chung là dự án). Dự án có vận tốc thiết kế từ 80 - 100 km/h, gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; chiều dài dự án hơn 11 km, điểm đầu của tuyến tại đường Nguyễn Thị Định (thành phố Thủ Đức - Tp. Hồ Chí Minh), điểm cuối kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Trong đó, dự án xây cầu có tổng chi phí đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, làm hầm dìm chi phí trên 24.500 tỷ đồng, hầm khoan chi phí trên 33.000 tỷ đồng.

Với phương án hầm dìm, hầm sẽ được xây dựng ở độ sâu khoảng 3 m so với mặt đất hiện hữu, chiều dài hầm qua sông 800 m (gấp đôi so với hầm Thủ Thiêm – Tp. Hồ Chí Minh, hầm vượt sông duy nhất ở Việt Nam). Do hầm dài nên quá trình xây dựng có nhiều thách thức.

Về hầm khoan, đây là loại hầm được xây dựng ở độ sâu hàng chục mét so với mặt đất hiện hữu mới đảm bảo an toàn (trong khi độ sâu nước sông đoạn làm hầm chỉ khoảng 18 m), quá trình thi công hầm khoan rất phức tạp, chỉ phù hợp khi phải làm hầm dài nhiều km.

Theo đơn tư vấn, hầm vượt sông khi hoàn thành mỗi năm cần khoảng 100 tỷ đồng để vận hành, bảo dưỡng, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng cầu khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Đơn vị tư vấn cho rằng, nếu làm cầu Cát Lái, cầu sẽ có chiều dài hơn 3.000 m, rộng 33 m. Việc xây cầu Cát Lái có nhiều thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật.

Gần 10 năm trước, Dự án cầu Cát Lái, nối thành phố Thủ Đức – Tp. Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch. Đến nay, Dự án cầu Cát Lái dù đã nhiều lần được bàn bạc nhưng các bên liên quan vẫn chưa thống nhất phương án triển khai.

Dự án cầu Cát Lái có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối giao thông trực tiếp giữa thành phố Thủ Đức – Tp. Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, khi sân bay Long Thành hoạt động, dự án này chia sẻ một lượng xe từ Tp. Hồ Chí Minh đến sân bay Long Thành và ngược lại, giúp tăng tính đồng bộ, hiệu quả của sân bay Long Thành.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục