Đồng Nai thông qua quy hoạch khai thác khoáng sản 2016-2020

13:03' - 11/12/2015
BNEWS Ngày 11/12, tại kỳ họp lần thứ 16, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII đã thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh.
Khai thác khoáng sản. Ảnh: TTXVN
Ngày 11/12, tại kỳ họp lần thứ 16, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII đã thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, HĐND tỉnh yêu cầu ngành tài nguyên môi trường quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản theo quy hoạch để bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Riêng đối với các mỏ sét, gạch, ngói, chỉ quy hoạch khai thác đến năm 2020 bởi sau thời điểm này chủ trương của Chính phủ là ngưng sử dụng gạch ngói nung, chuyển sang vật liệu xây dựng khô. 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường, tổng diện tích quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh có hơn 3.600 ha, giảm gần 61 ha so với quy hoạch giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn 2020. Cụ thể, đối với các mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền lập quy hoạch của tỉnh gồm: Đá xây dựng sẽ quy hoạch 40 mỏ với tổng diện tích gần 1.500 ha, trữ lượng hơn 456 triệu m3, so với quy hoạch đến năm 2015, tăng 9 mỏ với diện tích tăng thêm hơn 208 ha. Đối với cát xây dựng, có 9 mỏ được quy hoạch với tổng diện tích hơn 470 ha, trữ lượng hơn 6,2 triệu m3, tăng 2 mỏ với tổng diện tích tăng gần 54 ha. Riêng quy hoạch sét gạch ngói có 4 mỏ, với tổng diện tích hơn 100 ha, trữ lượng 8,1 triệu m3, tăng 1 mỏ so với quy hoạch đến năm 2015. Ngoài ra còn có quy hoạch các mỏ khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép khai thác. 

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, hiện trên địa bàn tỉnh có 43 mỏ đang khai thác đá và vật liệu xây dựng với diện tích gần 1.700 ha. Sau khai thác, các mỏ trên trở thành những hố sâu từ 50-60m; tuy nhiên, việc phục hồi môi trường sau khai thác rất kém, dẫn đến nhiều mỏ sau khai thác trở thành “hố tử thần”. Sở đã tiến hành kiểm tra các nội dung theo đề án đóng cửa mỏ của 9 mỏ đá xây dựng tại thành phố Biên Hòa để tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định đóng cửa mỏ, xử lý dứt điểm cuối năm 2015 nhằm tránh những nguy cơ có thể xảy ra tai nạn tại các mỏ đã ngưng khai thác./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục