Đông Nam Á cần thêm vaccine ngừa COVID-19 để ngăn chặn tỷ lệ tử vong tăng vọt

12:18' - 18/08/2021
BNEWS Đông Nam Á trong những tuần gần đây, khu vực này đang chứng kiến số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trên toàn cầu khi số ca nhiễm mới tăng vọt, đẩy hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải.

Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cho rằng các quốc gia ở Đông Nam Á cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc bảo đảm vaccine ngừa COVID-19 khi mà khu vực này đang chật vật ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao gây ra.

Đông Nam Á đã tránh được tình trạng tồi tệ nhất của đại dịch khi dịch bệnh bùng phát vào năm ngoái, nhưng trong những tuần gần đây, khu vực này đang chứng kiến số ca tử vong cao nhất trên toàn cầu khi số ca nhiễm mới tăng vọt, đẩy hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải và phơi bày thực tế là chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 diễn ra chậm chạp.

Người đứng đầu IFRC khu vực châu Á-Thái Bình Dương Alexander Matheou nhận định việc các ca nhiễm mới tăng vọt do biến thể Delta gây ra đang khiến số ca tử vong tăng nhanh tại Đông Nam Á và tình trạng này còn lâu mới có thể chấm dứt.

Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều đã ghi nhận số ca nhiễm hoặc tử vong mới cao nhất từ trước đến nay vì dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đó, theo thống kê của hãng tin Reuters, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Đông Nam Á thấp hơn nhiều so với các nước như Canada, Tây Ban Nha, Anh (với hơn 60% dân số đã được tiêm đủ liều) và Mỹ (hơn 50%).

Ở Indonesia và Philippines, những nước đông dân nhất khu vực Đông Nam Á, mới chỉ có khoảng 10-11% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Ông Matheou cho rằng trong ngắn hạn các quốc gia giàu có hơn cần phải tiếp tục chia sẻ khẩn cấp hàng triệu liều vaccine dư thừa cho các quốc gia Đông Nam Á.

Ông đồng thời kêu gọi các công ty dược phẩm bào chế vaccine và các chính phủ cũng cần chia sẻ công nghệ cũng như tăng cường khả năng sản xuất.

Theo ông Matheou, những tuần sắp tới là giai đoạn quan trọng để tăng cường điều trị, xét nghiệm và tiêm chủng ở Đông Nam Á.

Ông cho rằng cần phải đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70-80% dân số tại khu vực này để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục