Động thái chốt lời của khối ngoại có thể suy yếu

21:08' - 03/08/2023
BNEWS Trong tháng 7, khối ngoại ghi nhận bán ròng 1.926 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với tháng trước. Với mức bán ròng này, giá trị mua bán ròng lũy kế từ đầu năm 2023 của khối ngoại giảm còn 11 tỷ đồng.

Giới phân tích nhận định, động thái chốt lời của khối ngoại có thể suy yếu khi doanh nghiệp qua chu kỳ suy giảm lợi nhuận.

 

Theo đại diện Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Everest, động thái bán ròng trong tháng 7 của khối ngoại có thể đến từ hai hướng. Một phần do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện duy trì chính sách giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và khơi thông dòng vốn trong nước, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

Trong khi đó, ở các khu vực như Mỹ hay EU tháng 5 vừa qua vẫn ghi nhận các đợt tăng lãi suất, phía Ngân hàng Trung ương Anh cũng tiếp tục tăng mức lãi suất lên cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian tháng 11 - 12/2022 và tháng 1/2023 khi mức định giá của VN-Index ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm, khối ngoại đã tham gia với lượng vốn mạnh mẽ. Do vậy, đây cũng có thể coi là động thái chốt lời của khối ngoại khi chỉ số đã tăng 20% so với mức đáy hồi tháng 11.

Bản tin La bàn đầu tư tháng 8 của Công ty Chứng khoán Vndirect cho hay, tỷ trọng giá trị giao dịch tháng 7 của khối ngoại duy trì ở mức thấp 6,9%, trong bối cảnh dòng tiền nội quay trở lại mạnh mẽ những tháng vừa qua.

Theo đó, việc khối ngoại bán ròng chủ yếu do dòng vốn ngắn hạn có xu hướng chảy khỏi thị trường Việt Nam, trong bối cảnh lãi suất tại Việt Nam quay đầu giảm và trở nên kém hấp dẫn hơn so với mặt bằng lãi suất một số thị trường trong khu vực và các thị trường phát triển khác.

Giám đốc điều hành WiGroup Trần Ngọc Báu đánh giá, mức độ suy giảm lợi nhuận có thể sẽ chậm lại từ quý II/2023, thậm chí một vài ngành còn được kỳ vọng bắt đầu tăng trưởng nhẹ trở lại. Lúc này, dòng tiền nước ngoài được kỳ vọng sẽ trở lại khi doanh nghiệp qua chu kỳ suy giảm lợi nhuận.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nhận định, dấu hiệu hồi phục của doanh nghiệp niêm yết được ghi nhận từ quý I và quý II/2023 khi tốc độ suy giảm đang có xu hướng co hẹp lại.

Về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết dự kiến năm 2023, nhóm ngành tài chính duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế. Đáng chú ý, nhóm ngành ngân hàng dự kiến tăng 13,6%, chứng khoán tăng 71,6% trong khi bảo hiểm giảm 7,8%.

Về tăng trưởng quý II/2023, số liệu của 15/27 ngân hàng, chiếm 79% tổng vốn hóa ngành cho thấy ngành ngân hàng có lợi nhuận tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp phi ngân hàng có lợi nhuận giảm 41,7% so với cùng kỳ năm trước, với số liệu tổng hợp từ 580 doanh nghiệp niêm yết, chiếm 49% tổng vốn hóa khối này.

Giới đầu tư đang trông chờ thông tin buổi tọa đàm giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội các Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA) và Ngân hàng Thế giới về các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, dự kiến tổ chức vào tháng 8/2023 tại Hong Kong (Trung Quốc).

Mọi thông tin liên quan đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi được kỳ vọng tăng mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với khối ngoại trong thời gian tới.

Trước đó, thống kê dữ liệu riêng quý II, khối ngoại bán ròng khoảng 5.000 tỷ đồng. Luỹ kế đến hết quý II, khối ngoại mua ròng gần 1.950 tỷ đồng trên cả ba sàn; trong đó, bán ròng hơn 300 tỷ đồng trên HOSE, ngược lại mua ròng 2.250 tỷ đồng trên HNX và UPCOM.

Trên sàn HOSE, khối ngoại vẫn mua ròng nhiều nhất là cổ phiếu HPG, SSI và STG. Ngược lại, các cổ phiếu vốn hóa lớn như EIB, VNM, CTG, VPB và STB là những cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất từ đầu năm. Trên HNX và UPCOM, giao dịch mua ròng đáng chú ý của khối ngoại nằm ở các cổ phiếu IDC với giá trị hơn 450 tỷ đồng và IDP với giá trị gần 1.350 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục