Đồng Tháp bàn giao công trình kè mềm chống sạt lở bờ sông

09:26' - 25/09/2019
BNEWS Sau hơn 1 tháng thi công, công trình kè mềm chống sạt lở bờ sông Cần Lố thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng tài trợ đã hoàn thành.
Công trình kè mềm chống sạt lở bờ sông Cần Lố đã hoàn thành. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Chiều ngày 24/9, tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra lễ bàn giao công trình.

Công trình được khởi công vào ngày 31/7/2019 và hoàn thành ngày 31/8/2019. Với chiều dài 40m, công trình khôi phục toàn bộ đoạn sạt lở trên tuyến đường Thiên Hộ Dương, giúp người dân đi lại được thuận tiện.

Thời hạn sử dụng công trình trên 10 năm và có thể đạt đến 20 năm, nếu không có tác động đặc biệt.

Kè mềm thuộc nhóm “giải pháp xanh” (green solution), trái ngược với “giải pháp xám” (grey solution) và là các kết cấu kè cứng bằng bê tông hoặc đá.

Công trình kè mềm chống sạt lở bờ sông Cần Lố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Chương Đài - TTXVNđầu tư khoảng 2,2 tỷ đồng. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Đây là giải pháp tích hợp sử dụng các kết cấu địa kỹ thuật (ống geotube cát và bao cát sinh thái) và vật liệu cát tại chỗ. Kết cấu chung của kè mềm gồm 3 bộ phận: lấp hố xoáy sâu, hàm ếch, gia cố chân kè, phục hồi mái kè và thân đường giao thông (hoặc đê bao).

Ưu điểm của loại kè này là đem lại hiệu quả cao với chi phí thấp hơn từ 40-70% so với kè cứng, tùy thuộc vị trí và địa hình sạt lở.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh cho biết, thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông tại địa phương nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, tài sản, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người dân.

Cụ thể, tại huyện Cao Lãnh xuất hiện 32 điểm sạt lở, chiều dài sạt lở hơn 1.000 mét, diện tích mất đất là khoảng 3.379 m2, tập trung ở các xã Bình Hàng Trung, thị trấn Mỹ Thọ…

Lễ bàn giao công trình kè mềm chống sạt lở bờ sông Cần Lố. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Thời gian qua, huyện cũng đã triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình để khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông và đời sống của người dân.

Tuy nhiên bằng giải pháp công trình thi công bằng hình thức kè cứng, tình trạng sạt lở vẫn tái diễn cho áp lực của dòng chảy, địa chất, trong khi đó, giải pháp phi công trình (trồng cây, cỏ giữ đất…) không có thời hạn sử dụng lâu dài.

Vì vậy, hình thức kè mềm vừa là giải pháp xanh, thân thiện với môi trường, vừa có tác dụng lâu dài. Huyện sẽ đánh giá, xem xét để đầu tư tại một số điểm sạt lở trên địa bàn huyện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục