Đồng Tháp đặt mục tiêu có ít nhất 31 sản phẩm OCOP

17:30' - 26/08/2019
BNEWS Theo kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn từ quý IV năm 2018 đến năm 2020, Đồng Tháp phấn đấu tiêu chuẩn ít nhất có khoảng 31 sản phẩm.
Sản phẩm OCOP tại Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I năm 2019. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 61 sản phẩm truyền thống, chủ yếu thuộc 6 ngành hàng gồm thực phẩm, đồ uống, vải – may mặc, quà lưu niệm – nội thất – trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đồng Tháp (OCOP) giai đoạn từ quý IV năm 2018 đến năm 2020, Đồng Tháp phấn đấu tiêu chuẩn ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 31 sản phẩm; đồng thời, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của Đồng Tháp.

Đặc biệt, đến năm 2020, Đồng Tháp phấn đấu sẽ có 18 sản phẩm đạt 3 - 5 sao.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng theo bộ tiêu chí 3 phần gồm các tiêu chí đánh giá sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm); tiêu chí đánh giá khả năng tiếp thị (25 điểm); tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm (40 điểm).

Các sản phẩm OCOP được đánh giá từ 4 - 5 sao là những sản phẩm đạt chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu...
Cũng theo ông Nguyễn Phước Thiện, triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Không chỉ vậy, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn phù hợp, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho hay, tại Đồng Tháp, OCOP là phương án để chắp cánh cho tài nguyên bản địa.

Theo đó, chương trình OCOP đã được lồng ghép trong các chương trình được thực hiện từ trước như khởi nghiệp, làng thông minh, đề án phát triển du lịch,…
Để thực hiện chương trình OCOP giai đoạn quý IV, Đồng Tháp tập trung vào 9 giải pháp trọng tâm là tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống chỉ đạo, tư vấn, đối tác hỗ trợ từ tỉnh đến cơ sở; tuyên truyền, nâng cao nhận thức bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, địa phương cũng vận dụng các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình OCOP; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ nhằm tăng hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, Đồng Tháp ưu tiên đẩy mạnh giải pháp về xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tiếp cận thị trường; thực hiện quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, nhất là đối với các sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp bày tỏ, Đồng Tháp đã và đang có đầy đủ nguyên liệu để vận hành chương trình OCOP.
Theo đó, với những kết quả đạt được từ các chương trình khởi nghiệp với nhiều chương trình phát triển chất lượng, bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; không gian cộng đồng hội quán với những người nông dân chịu thay đổi, sáng tạo, đam mê; ý tưởng làng thông minh kích hoạt sự năng động của xóm làng bằng công nghệ; cùng đội ngũ cán bộ trẻ, tâm huyết… là các yếu tố tiền đề để thực hiện thành công chương trình “mỗi xã một sản phẩm”.
Không chỉ vậy, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng cho rằng, chương trình OCOP tạo ra giá trị gia tăng mới từ tài nguyên bản địa.

Tuy nhiên, đây không phải là sản phẩm thô bình thường mà là sản phẩm chứa giá trị gia tăng hội tụ nhiều yếu tố văn hóa, sáng tạo, tâm huyết của địa phương.
Vì vậy, phải bằng sự chăm chút, đầu tư của chính người làm ra sản phẩm, cộng hưởng “hà hơi tiếp sức” của chính quyền để tạo giá trị mới từ cái vốn có tại địa phương.
Điều đó có nghĩa là sản phẩm OCOP còn chứa đựng giá trị văn hóa, niềm tự hào của người dân bản địa. Từ đó, sẽ giúp sản phẩm địa phương vượt ra địa giới hành chính của huyện, tỉnh.
Theo ông Lê Minh Hoan, câu chuyện hình thành mỗi xã một sản phẩm là một câu chuyện dài hơi, đòi hỏi, sự kiên trì, quyết tâm và sự trăn trở của cả hệ thống chính trị và nhiều tầng lớp nhân dân.
Do vậy, mỗi huyện cần rà soát lại và chọn các sản phẩm đặc trưng của địa phương; trong đó, tập trung phát triển trước những sản phẩm tiềm năng.

Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo cần có tư duy “trở về làng” kích hoạt nông dân thay đổi, sáng tạo, gắn kết thoát khỏi tư duy mùa vụ, tạo ra giá trị thặng dư; tạo ra cách mới để làm giàu thay vì chỉ là bán nông sản thô.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đánh giá, điều đáng mừng là tinh thần OCOP tại Đồng Tháp được quán triệt từ tỉnh đến cơ sở và tính tự giác trong tổ chức sản xuất của người dân rất cao.

Tuy nhiên, nhìn nhận qua thực tế, trong 61 sản phẩm truyền thống tại địa phương, số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản xuất rất thấp.
Thêm vào đó, đa phần các cơ sở sản xuất tại Đồng Tháp là kinh tế hộ gia đình, trong 205 cơ sở sản xuất, chỉ có 54 cơ sở có công bố chất lượng và 24 cơ sở có sở hữu trí tuệ.
Ông Ngô Tất Thắng khuyến nghị, để thực hiện OCOP, tỉnh cần tiêu chuẩn hóa sản phẩm và cơ sở sản xuất đủ điều kiện, hướng tới việc huy động sức trẻ của lực lượng thanh niên để có lộ trình dài hơi và sự thích ứng cao trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, các cấp cần trân trọng ý tưởng của người dân để rút ra các phương án sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, tỉnh cần triển khai ngay chương trình đánh giá sản phẩm, tránh tình trạng tự mãn, tự khen, khi sản phẩm địa phương chỉ đạt ở số lượng nhưng chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn chất lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục