Đồng Tháp nhân rộng mô hình trồng lúa sạch, lúa hữu cơ

10:44' - 04/04/2017
BNEWS Hiện nay tỉnh Đồng Tháp phát triển được hơn 340ha mô hình sản xuất lúa sạch gắn với tiêu thụ và mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ.
Mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu vụ Hè Thu. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải - TTXVN

Tập trung trồng nhiều nhất là huyện Tam Nông, Tháp Mười và một cơ sở tư nhân làm lúa sạch theo hướng hữu cơ của anh Võ Văn Tiếng ở ấp Thượng 1, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự.

Vụ lúa Đông Xuân 2016-2017 ở 3 hợp tác xã Phú Thọ, Tân Cường của huyện Tam Nông và Hợp tác xã Mỹ Đông 2 của huyện Tháp Mười sản xuất 300ha lúa sạch gắn với tiêu thụ.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường sử dụng 10ha đất sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm để cho ra sản phẩm “gạo sạch”.

Hai loại giống lúa chủ lực được HTX chọn là RVT và Thiên Ưu 8.

Với diện tích canh tác được áp dụng theo quy trình VietGAP từ khâu trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser đến khâu sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Sau khi thu hoạch, năng suất bình quân trên 6,5 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất hơn 2 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn so với làm ngoài mô hình trên 13 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Văn Trãi – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường cho biết, hiện nay hợp tác xã nhân rộng diện tích trồng lúa hữu cơ lên 20 ha và xây dựng một nhà máy xay xát, chế biến gạo đạt chuẩn HACCP chế biến ra 3 sản phẩm gạo sạch có tên thương hiệu độc quyền là “gạo Hoa Sen, Đài Sen và gạo Hương Sen”.

Anh Trãi cho biết thêm, sản phẩm gạo của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường đều được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Anh Trãi cam kết bước đầu thu mua lúa sạch của bà con trong hợp tác xã cao hơn thị trường là 500 đồng/kg .

Anh Võ Văn Tiếng ở ấp Thượng 1, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cũng đã áp dụng mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ.

Lúc đầu anh sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 với diện tích 2 ha, sản xuất lúa Nàng hoa 9, đến nay tăng lên 40 ha, chỉ sử dụng phân hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học mà áp dụng các biện pháp sinh học, sử dụng thiên địch của rầy chính là cá, chờ khi rầy nâu đẻ là bơm nước vào cho ngập cây lúa, khi trứng bám vào cây lúa sẽ bị ung, úng không nở được.

Anh Tiếng còn thả vịt và các loại cá như: lòng tong, rô, sặt rằn… vào ruộng để vừa nuôi cá vừa diệt rầy cũng như diệt các mầm bệnh, sâu đục thân, rầy lửa, ốc bươu vàng… giúp cây lúa phát triển tốt.

Hai mùa vụ là Đông Xuân và Hè Thu anh lãi hơn 46 triệu đồng/ha. Ngoài nguồn thu chính từ lúa, anh còn một số nguồn thu phụ từ nuôi vịt, cá và một số sản phẩm từ hoa màu.

Gạo của anh sản xuất ra được đăng ký nhãn hiệu “Gạo An Toàn Tâm Việt”, được Công ty trách nhiệm hữu hạn Cỏ May hỗ trợ đóng gói sản phẩm "Gạo An Toàn Tâm Việt" theo tiêu chẩn HACCP.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tư duy sản xuất mô hình trồng lúa sạch, lúa hữu cơ là tích cực, góp phần nỗ lực đưa gạo sạch tỉnh nhà ra thị trường.

Sở cũng mong muốn các địa phương nghiên cứu mô hình để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm hạt gạo sạch, đồng thời cung ứng cho người tiêu dùng và xuất khẩu, đối với mô hình sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ năm 2017 tỉnh cho nhân rộng mô hình thêm từ 40-50 ha.

>> Bến Tre có hợp tác xã lúa sạch đầu tiên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục