Phát triển xu hướng chăn nuôi hữu cơ

10:09' - 02/02/2017
BNEWS Mô hình chăn nuôi hữu cơ đang ngày càng được nhiều hộ dân áp dụng cho kết quả tốt, hiệu quả kinh tế cao, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mô hình chăn nuôi hữu cơ đang dần trở thành xu hướng được các hộ nhà nông ưa chuộng. Ảnh: Văn Giáp - TTXVN

Những năm gần đây xã Giang Biên đã đi đầu trong toàn huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) về áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi cũng như phát triển quy mô chăn nuôi. Đây là phương thức chăn nuôi mới, phù hợp với điều kiện chăn nuôi gà (cả quy mô nông hộ và trang trại) ở Hải Phòng. Phương thức này mở ra nhiều triển vọng cho mô hình chăn nuôi hữu cơ, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Trạm phó Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư huyện Vĩnh Bảo cho biết, xã Giang Biên có tới 90% hộ dân nuôi gà hoặc làm các dịch vụ liên quan đến con giống, thức ăn, thú y chăn nuôi… đa số các hộ nuôi gà ở Giang Biên đã áp dụng mô hình an toàn sinh học.

Do vậy, các hộ chăn nuôi ít khi phải dùng thuốc kháng sinh phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, gà xuất bán có hình thức đẹp, thịt thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được thị trường ưa chuộng.

Nếu như năm 2012, toàn xã chỉ có 84 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thì tới cuối năm 2016 đã có 350 hộ chăn nuôi; trong đó có 200 hộ nuôi gà theo 3 loại hình: nông hộ, gia trại và trang trại. Sản lượng 1 năm ước đạt 900.000 con gà thịt chất lượng cao, an toàn sinh học.

Ông Hoàng Đức Trung, thôn 2, là hộ nuôi gà lớn nhất xã Giang Biên. Bắt đầu nuôi gà nhỏ lẻ từ năm 2003 với khoảng 200 – 300 con mỗi lứa, đến năm 2007, ông mở rộng quy mô gia trại bằng việc sử dụng giống gà có nguồn gốc từ Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ. Cũng ngay trong năm 2007, ông thực hiện cải tạo chuồng trại, kỹ thuật nuôi để phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP.

Cuối năm 2013, ông Trung tiếp tục ứng dụng mô hình đệm lót sinh học vào chăn nuôi và đưa quy mô gia trại lên mức 3000 con/1 lứa nuôi, mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 10.000 đến 15.000 con. Trong số 5 chuồng nuôi của ông Trung, đa số đều thiết kế công nghệ chuồng nuôi kiểu kín – hở theo hướng công nghiệp hiện đại, phù hợp với tiểu vùng khí hậu của Hải Phòng, dưới là lót đệm sinh học, trên thoáng về mùa hè, kín gió về mùa đông.

Ông Trung cho biết, so với cách thức nuôi truyền thống là rải trấu không có độ thoáng, bết thì đệm lót sinh học ưu việt hơn hẳn, gà ấm chân ít bị bệnh, giảm công vệ sinh chuồng trại, không gian sạch sẽ, ít mùi. Đặc biệt, ông Trung rất tuân thủ quy trình phòng dịch, cứ 14 ngày ông chủng đậu cho gà, 1 tháng tẩy giun, đảm bảo gà ăn sạch, uống sạch, ở sạch, việc bơm thuốc sát trùng ông cũng chọn ngày nắng để thực hiện.

Bà Trịnh Thị Kim Anh, cán bộ kỹ thuật Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) cho biết: chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là nuôi trên nền chuồng được lót bằng các nguyên liệu có độ trơ cao (không bị nước làm nhũn nát) và chứa các vi sinh vật có hoạt tính cao giúp tiêu hủy hoàn toàn chất thải của vật nuôi. Mô hình này đang triển khai rất thành công và được bà con nông dân đánh giá cao.

Trên thực tế, nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học rất dễ áp dụng nhưng không phải hộ nuôi nào cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để tham gia vào mô hình do ngành nông nghiệp hỗ trợ.

Ví dụ như các hộ nuôi phải có quy mô ổn định, chuồng trại thông thoáng, đầy đủ thiết bị chăn nuôi chuyên biệt, chuồng nuôi xa khu dân cư, cao ráo, có hàng rào ngăn cách, vệ sinh thú y, phòng bệnh bằng tiêm vắcxin và thực hiện tốt việc khử trùng tiêu độc chuồng trại, khu chăn nuôi.

Giống sử dụng trong mô hình là giống gà ri lai thương phẩm. Đây là giống gà được nuôi phổ biến trong nông hộ ở Hải Phòng, có sức đề kháng bệnh tốt, thịt ngon, thơm, ngoại hình phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Đối với xã Giang Biên, đa phần các hộ nuôi đều cố gắng hoàn thiện chuồng trại để đáp ứng các tiêu chí của mô hình nuôi. Có những hộ không thể đáp ứng ngay đã phải nhiều năm nâng cấp chuồng trại, đầu tư trang thiết bị hoặc thậm chí xây dựng mới chuồng trại cách xa khu dân cư.

Anh Vũ Văn Nể ở thôn 3, xã Giang Biên là một ví dụ. Sau nhiều năm đầu tư nâng cấp chuồng trại, tham gia một số lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, anh đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của mô hình nuôi gà đệm lót sinh học.

Trước đây gia đình anh nuôi gà ri với quy mô từ 1.000 - 1.500 con/lứa. Mặc dù thức ăn, con giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng và uy tín nhưng năng suất đàn gà không cao, lại tốn nhiều công chăm sóc, thuốc thú y, chuồng nuôi lại luôn bốc lên mùi hôi thối, gây khó chịu không chỉ cho gia đình anh mà còn cho bà con xung quanh.

Nhưng từ khi áp dụng đệm lót sinh học cho chuồng nuôi, gà lớn nhanh hơn phương pháp nuôi thông thường từ 150 - 200gram/con/100 ngày nuôi và tỷ lệ chết cũng giảm 2 - 3%.

Bên cạnh đó, chi phí mua thuốc thú y cũng giảm 1.500 đồng/con. Đặc biệt, anh Nể không phải thường xuyên thay chất độn chuồng như trước mà chuồng nuôi không còn mùi hôi thối, phân gà được men tiêu hủy hết hoàn toàn.

Bà Đào Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Hải Phòng khẳng định, nuôi gà trên nền đệm lót sinh học tỷ lệ gà sống tương đối cao (96,42%), chi phí thức ăn giảm 10% trong khi tốc độ tăng trưởng của gà nhanh hơn 6 - 7% phương thức chăn nuôi thông thường.

Suốt quá trình nuôi không xuất hiện bệnh nguy hiểm. Nhìn chung, mô hình nuôi gà dùng đệm lót sinh học đạt kết quả tốt, hiệu quả kinh tế cao, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục