Đồng Tháp phát triển cây xoài trở thành ngành hàng chủ lực

13:10' - 24/06/2018
BNEWS Ngành hàng xoài được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp .
Đồng Tháp phát triển cây xoài trở thành ngành hàng chủ lực. Ảnh minh hoạ: Dương Chí Tưởng - TTXVN

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 9.200 ha xoài, lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng hàng năm đạt gần 100.000 tấn. Ngành hàng xoài được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với mục tiêu đến năm 2020 trở thành ngành hàng trái cây xuất khẩu, có tính ổn định, bền vững.
Đầu tư nguồn lực
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài, từ hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đê bao chống lũ, cải tạo giống, xử lý hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch.
Qua đó, hình thành vùng nguyên liệu xoài tập trung, chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Để trái xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, bao trái hiện là biện pháp góp phần nâng cao chất lượng trái xoài, giảm thất thoát sau thu hoạch, dễ tiêu thụ và xuất khẩu.

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh, với tổng diện tích hơn 416 ha, nhân rộng mô hình bao trái xoài được trên 85% diện tích.
Kết quả điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy, xoài cát Hòa Lộc chiếm khoảng 20%, xoài cát Chu chiếm 70% diện tích trồng xoài trong toàn tỉnh. Giống xoài Đài Loan nhập nội (xoài Đài Loan) cũng được nhiều nhà vườn quan tâm, đầu tư phát triển tăng diện tích trong những năm tới vì giống xoài này dễ trồng, dễ đậu trái, giá bán cao nên hiệu quả kinh tế khá hấp dẫn.
Hiện nông dân trồng xoài trong tỉnh có ý thức liên kết, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hầu hết các sản phẩm xoài được nhà vườn tiêu thụ qua thương lái hoặc vựa, chiếm hơn 80%.
Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh” và việc xây dựng mã số vùng trồng cũng được quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng giúp nông dân xuất khẩu loại trái cây này.
Giải pháp đồng bộ
Ông Nguyễn Thành Tài cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, trước mắt là xây dựng mô hình sản xuất xoài đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP. Việc áp dụng GAP là xu hướng tất yếu để trái xoài thâm nhập thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện từng bước xây dung mô hình GAP trên xoài. Đến nay có 2 mô hình đạt chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích hơn 33 ha tập trung ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh; Hai mô hình đạt chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 48 ha và cấp chứng nhận vùng sản xuất xoài đủ điều kiện an toàn cho 48 ha.
Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc xử lý ra hoa rải vụ nên trái xoài Đồng Tháp cung cấp cho thị trường quanh năm. Tỉnh đã thực hiện mô hình sản xuất xoài rải vụ, góp phần khắc phục tình trạng thu hoạch tập trung vào một thời điểm, hạn chế tình trạng “được mùa rớt giá”.
Theo ông Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, biện pháp trước mắt là không tăng diện tích, nâng cao chất lượng để tái cơ cấu ngành hàng xoài; đồng thời nhà vườn trồng xoài phải canh tác rải vụ, có chính sách khuyến khích nông dân sản xuất theo quy hoạch. Đặc biệt, đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện các khâu bảo quản, chế biến và nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất xoài.
Điển hình như ở huyện Cao Lãnh, việc nâng cao chất lượng trái xoài theo tiêu chuẩn GAP, việc bao trái và trồng rải vụ được ông Võ Việt Hưng, Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh thực hiện đã tạo ra trái xoài chất lượng cao, ngăn chặn được côn trùng xâm nhập. Bao trái hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5 – 7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp hơn, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn, tăng năng suất từ 20 - 30%.

Theo tính toán, xoài bao trái hiện nay lãi từ 200 - 220 triệu đồng/ha, cao hơn xoài không bao trái từ 50 - 80 triệu đồng/ha. Xoài trồng theo hợp đồng xuất khẩu hơn 2 năm qua, bình quân mỗi tháng xuất khẩu từ 100 - 200 tấn ra thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand. Bình quân mỗi kg xoài xuất khẩu giá cao hơn xoài bình thường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Theo GS.TS Trần Văn Hâu, trường Đại học Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp cần phải có liên kết ngang, liên kết dọc để phát triển ngành hàng xoài trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo ông, việc liên kết ngang là giữa nông dân với nông dân nhằm tạo ra vùng sản xuất có quy mô lớn, hướng tới xây dựng thương hiệu và liên kết dọc là giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ để tạo ra nguồn hàng lớn, đủ khả năng tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu...
Để trái xoài có chất lượng xuất khẩu và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ cho biết, cần quản lý dinh dưỡng trong cải thiện chất lượng xoài, đó là dinh dưỡng đường bột phải chiếm 96%, còn lại là dinh dưỡng khoáng.

Cùng với đó, nghiên cứu, chế biến đa dạng sản phẩm xoài; áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ..., đáp ứng đa dạng thị hiếu của các nước nhập khẩu…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục