Đồng tiền số Nhân dân tệ có thay thế được đồng USD?

06:00' - 19/10/2020
BNEWS Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đang ráo riết thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (DCEP) để sớm phát hành và đưa vào sử dụng.

Mặc dù các bên liên quan tuyên bố rằng không có thời gian biểu cụ thể cho việc ra mắt DCEP, nhưng việc Trung Quốc mong muốn đặt các cuộc thử nghiệm đồng tiền này trong bối cảnh Thế vận hội Mùa Đông có thể thấy DCEP nhiều khả năng sẽ ra đời không muộn hơn tháng 2/2022.

Đây được coi như một lời cam kết quốc tế của Trung Quốc. Như vậy, vào một thời điểm nào đó trong năm 2021, Bắc Kinh sẽ chính thức tuyên bố hoạt động của đồng tiền kỹ thuật số pháp định (tiền fiat kỹ thuật số).

DCEP có thể thay thế đồng USD? 

Tuần san châu Á số mới nhất dẫn quan điểm của PBoC cho biết, DCEP được kỳ vọng sẽ thay thế tiền mặt do ngân hàng trung ương phát hành đang lưu thông, hay còn gọi là tiền M0. Nói cách khác, DCEP, là tiền M0 tồn tại dưới dạng kỹ thuật số, sẽ dần loại bỏ các phương thức thanh toán ngân hàng hiện có của đồng nhân dân tệ (NDT) dưới dạng tiền giấy và tiền xu.

Ở khía cạnh này, DCEP sẽ thu hẹp không gian sử dụng, thậm chí thay thế đồng NDT. Đây là thiết kế về mặt logic của DCEP và trên thực tế, Trung Quốc cũng mong muốn DCEP có thể đáp ứng được kỳ vọng.

Vậy trong hệ thống tiền tệ quốc tế, liệu DCEP có thể thay thế đồng USD? Câu trả lời xem ra không hợp lý về mặt logic và cũng khó có thể trông đợi trên thực tế.

Nguyên nhân là do so với các loại tiền tệ khác, địa vị và vai trò của đồng USD với tư cách là một đồng tiền quốc tế được hình thành trong lịch sử và là kết quả của lựa chọn thực tế. Cụ thể, đồng USD đóng vai trò đồng tiền định giá, đồng tiền thanh toán và đồng tiền dự trữ.

Do đó, dù có tồn tại hình thức tiền tệ kỹ thuật số hay không cũng không có ý nghĩa thực sự, càng không thể tác động hay có ảnh hưởng đối với vai trò đồng tiền định giá của đồng USD trong các hoạt động như giao dịch hàng hóa, đầu tư quốc tế…

Trên phương diện đồng tiền thanh toán và đồng tiền dự trữ, đồng tiền kỹ thuật số có một số lợi thế nhất định, đặc biệt là có hiệu quả cao hơn nhiều. Tuy nhiên, đồng tiền kỹ thuật số vẫn chưa cho thấy ưu thế trong các nghiệp vụ kế toán và giao dịch tài chính quốc tế.

Nói cách khác, trừ khi toàn bộ hệ thống thanh toán quốc tế thay đổi, nếu không chỉ dựa vào việc số hóa đồng NDT, thậm chí số hóa đồng USD, sẽ không thể thay đổi trạng thái của đồng USD với tư cách là đồng tiền định giá, đồng tiền dự trữ, thậm chí là đồng tiền thanh toán trong hệ thống tiền tệ quốc tế.

Không thể phủ nhận đồng USD là biểu tượng của hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay và bất kỳ đồng tiền nào muốn thay thế đồng USD đều phải có khả năng thay đổi hệ thống tiền tệ quốc tế. Mô hình cơ bản này cũng sẽ không thể bị thay đổi, bởi những thay đổi về hình thái tiền tệ.

Đó là chưa nói đến việc số hóa một loại tiền tệ nhất định mới chỉ là một phần của sự thay đổi về hình thái tiền tệ. Trong bối cảnh chưa thấy rõ lộ trình và chức năng của DCEP, việc cho rằng DCEP sẽ thay thế đồng USD là suy đoán vô căn cứ, không đáng tin.

Trong hệ thống tiền tệ quốc tế, cơ sở cho việc thay thế đồng USD bằng đồng NDT là nhu cầu quốc tế đối với đồng NDT có xu hướng vượt quá đồng USD và sự thay đổi này dần trở thành xu hướng chung không thể đảo ngược.

Khi đó, vị thế của đồng NDT trong thanh toán, dự trữ và định giá sẽ ngày càng tăng lên. Nhưng điều này vẫn chưa đủ mà phải đợi tới khi nhu cầu đối với đồng USD yếu hoàn toàn chứ không chỉ là tương đối yếu.

Vấn đề ở chỗ chuyện đó nằm ngoài phạm vi của những thay đổi trong bản thân hệ thống tiền tệ quốc tế mà liên quan tới những thay đổi trong cấu trúc kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế tiền tệ quốc tế khổng lồ như hiện nay, việc số hóa đồng NDT đành rằng cũng có vai trò thúc đẩy sự thay đổi, nhưng vẫn chưa thể làm lung lay cục diện đó.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống tiền tệ quốc tế?

Vậy liệu số hóa tiền tệ có thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống tiền tệ quốc tế? Điều này phụ thuộc vào việc số hóa tiền tệ đã gây ra tác động và thay đổi cơ bản như thế nào đối với nền kinh tế quốc tế. Xem xét tình hình hiện nay có thể thấy đây là một vấn đề lớn, cần tiếp tục quan sát.

Quay trở lại bản thân tiền tệ, DCEP không thể thay thế đồng USD, nhưng đồng USD kỹ thuật số có thể thay thế đồng USD. Vậy ai sẽ thúc đẩy việc số hóa đồng USD? Đặc biệt là Mỹ, nước này có muốn thúc đẩy việc số hóa đồng USD hay không?

Nói một cách thẳng thắn, việc số hóa hệ thống tiền tệ quốc tế phải lấy việc số hóa đồng USD làm tiền đề hoặc cơ sở, còn việc số hóa các đồng tiền khác không những không thúc đẩy quá trình số hóa hệ thống tiền tệ quốc tế mà còn không làm thay đổi địa vị của đồng USD với tư cách là đồng tiền quốc tế.

Nếu Mỹ thúc đẩy việc số hóa đồng USD thì ngay từ đầu điều này đã diễn ra trên phạm vi quốc tế, đồng thời đánh dấu việc số hóa hệ thống tiền tệ quốc tế. Ngược lại, nếu Mỹ không thúc đẩy số hóa đồng USD thì việc Trung Quốc thúc đẩy số hóa đồng NDT hay Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy số hóa đồng euro sẽ không thể nào thúc đẩy số hóa hệ thống tiền tệ quốc tế. 

Nhìn vào cơ cấu hệ thống tiền tệ quốc tế, cơ cấu thanh toán thương mại quốc tế, cơ cấu đầu tư quốc tế… có thể dễ dàng kết luận rằng nếu không số hóa đồng USD thì sẽ không thể số hóa hệ thống tiền tệ quốc tế.

Hiện nay, các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia và khu vực lớn trên thế giới đang tìm cách thúc đẩy sự ra đời của đồng tiền pháp định số hóa. Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gần đây đã tuyên bố rằng ECB sẽ sớm đưa ra và công bố quyết định về việc hệ thống đồng euro có cần thiết lập một loại tiền kỹ thuật số dựa trên đồng euro hay không.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp gần đây bày tỏ rằng ông sẽ thúc đẩy thanh toán số hóa ở châu Âu, đặc biệt là thanh toán xuyên biên giới. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh cũng quan tâm đến việc số hóa đồng tiền pháp định (fiat) và đồng tiền ổn định (stable coin). 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức nhận định thanh toán số hóa là xu thế của tương lai. Xem xét thái độ của các cơ quan quản lý tiền tệ lớn ở châu Âu như trên có thể thấy bầu không khí thúc đẩy số hóa hệ thống tiền tệ quốc tế bước đầu đã hình thành.

Tuy nhiên tại Mỹ, Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ thuộc Bộ Tài chính đã lần đầu tiên ban hành hướng dẫn chỉ rõ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cung cấp tài khoản dự trữ cho các tổ chức phát hành đồng tiền ổn định.

Nói tóm lại, về vấn đề thanh toán kỹ thuật số, thế giới có nhiều quan điểm hoặc thái độ khác nhau. Mỹ không tích cực và dường như quan tâm hơn đến việc xây dựng hệ thống tài sản kỹ thuật số. Anh đã thể hiện sự trung lập, tập trung vào cả tài sản kỹ thuật số và thanh toán kỹ thuật số.

Châu Âu có ý định ủng hộ thanh toán kỹ thuật số và kỳ vọng mở ra cánh cửa thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới. Trung Quốc đã từng bước thúc đẩy DCEP và sử dụng Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh như một cơ hội để quảng bá DCEP ra quốc tế.

Do đó, mặc dù đồng NDT kỹ thuật số không thể thay thế đồng USD, nhưng việc số hóa hệ thống tiền tệ quốc tế kỳ thực đã như "gió gợn mặt hồ"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục