Đồng USD có dễ đánh mất vị thế là đồng tiền dự trữ của toàn cầu?

15:14' - 04/04/2022
BNEWS Sau gần 80 năm là đồng tiền dự trữ của toàn cầu, đồng USD có thể đối mặt với nguy cơ để mất vị thế này.

Khoảng 60% trong số dự trữ ngoại tệ trị giá 12.800 tỷ USD của toàn cầu hiện là bằng đồng USD, giúp nước Mỹ có được đặc quyền trước các nước khác.

 

Nhờ trái phiếu chính phủ Mỹ bằng đồng USD rất hấp dẫn nên mức lợi suất thấp. Mỹ vay các nước khác bằng đồng USD nên nếu đồng tiền này mất giá, trái phiếu của Mỹ cũng mất giá theo. Các công ty của Mỹ có thể thực hiện các giao dịch quốc tế mà không mất phí chuyển đổi.

Điều quan trọng nhất là Mỹ có thể cắt đứt sự tiếp cận đối với đồng USD của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, cô lập và gây khó khăn cho các nền kinh tế.

Mỹ đã sử dụng "vũ khí" này đối với Nga vào tháng Hai, sau khi nước này triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine (U-crai-na), với việc đóng băng số dự trữ ngoại tệ trị giá 630 tỷ USD của Nga và khiến đồng ruble giảm giá mạnh.

Tuy nhiên, để tự bảo vệ, các nước sẽ đa dạng hóa các khoản đầu tư vào các đồng tiền khác, ngoài USD. Đây chính là điều khiến cho vị thế đồng tiền dự trữ của đồng tiền này đứng trước những vấn đề.

Một nghiên cứu mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại tệ của toàn cầu đã giảm trong hai thập niên qua. Các tác giả của nghiên cứu cho rằng điều này cho thấy dự trữ ngoại tệ sẽ thay đổi ra sao trong thời gian tới.

Nga và Trung Quốc cũng đang hy vọng đưa đến những thay đổi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/3 đã đe dọa sẽ dừng xuất khẩu khí đốt sang các nước không mở tài khoản tại một ngân hàng của nước này và thanh toán bằng đồng ruble. Liên minh châu Âu nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu khí đốt và 30% nhu cầu dầu mỏ từ Nga, và không dễ dàng tìm kiếm các nguồn cung thay thế. 

Trong khi đó, Saudi Arabia đang đàm phán với Trung Quốc về việc thanh toán tiền mua dầu bằng nhân dân tệ thay cho USD.

Dù không có gì là không thể, việc Mỹ để mất đặc quyền là điều rất khó xảy ra.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã nỗ lực nâng cao vị thế quốc tế của đồng nhân dân tệ, nhưng chỉ 3% các giao dịch trên toàn cầu là bằng đồng tiền này, trong khi tỷ lệ này của đồng USD là 40%.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn là lớn nhất và có thanh khoản cao nhất trên thế giới, trong khi dòng vốn ngoại đang chảy vào nước này.

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu tăng 77%, ước đạt 1.650 tỷ USD trong năm 2021, nhưng đầu tư vào Mỹ tăng 114%, lên 323 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục