Dự án di dân ở Quỳ Hợp (Nghệ An): Khẩn cấp hay "rùa bò"?

10:51' - 24/11/2018
BNEWS Có một nghịch lý đó là có những nơi việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư lại đang bộc lộ nhiều bất cập, lãng phí vốn đầu tư và gây bức xúc cho người dân.

Tại các huyện miền núi Nghệ An hiện vẫn đang có rất nhiều hộ dân sống tại những nơi nằm trong vùng có nguy cơ đe dọa cao về thiên tai.

Việc tái định cư, ổn định chỗ ở cho các hộ này để đảm bảo an toàn cho cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất đang là việc làm cần thiết.

Tuy nhiên, có một nghịch lý đó là có những nơi việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư lại đang bộc lộ nhiều bất cập, lãng phí vốn đầu tư và gây bức xúc cho người dân.

Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở đất ở huyện Quỳ Hợp là minh chứng rõ nhất vấn đề này.

*Dân đến ở khi dự án chưa hoàn thành

Bản Pật (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp) và bản Quắn (xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp) là hai bản có dân cư đa số là người dân tộc thiểu số.

Trước đây khi chưa khai thác quặng, rừng còn nhiều thì nơi đây là bản làng đông đúc, cuộc sống người dân ít bị đe dọa bởi thiên tai, lũ lụt và những hiểm nguy khác.

Thế nhưng tình trạng khai thác rừng, quặng tràn lan, rừng đầu nguồn bị tàn phá, môi trường, đường giao thông bị phá hủy nặng nề, lũ quét, sạt lở đất đá ngày càng nghiêm trọng.

Có những căn nhà của người dân vào mùa mưa lũ bị ngập nặng, có nhà bị lũ cuốn trôi. Cuộc sống của nhiều hộ dân bị đe dọa trực tiếp từ thiên tai và từ ô nhiễm môi trường.

Thấy rõ bức thiết của người dân, nhằm tạo điều kiện cho người dân có nơi ở mới ổn định, an toàn, năm 2010 tỉnh Nghệ An thực hiện dự án di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở đất ở xã Châu Tiến và xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp).

Tổng vốn đầu tư được phê duyệt là 36,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư theo chính sách tại Quyết định 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ngân sách Trung ương cấp cho địa phương thông qua chương trình hỗ trợ di dân khẩn cấp vùng thiên tai, sạt lở, lũ ống, lũ quét hàng năm và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Mục tiêu chính của dự án là di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở đất nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho 73 hộ (34 hộ dân bản Pật, xã Châu Tiến và 31 hộ dân bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp). Dự án đang thi công dang dở thì bị cắt giảm vốn đầu tư từ 36,3 tỷ đồng xuống còn 17,4 tỷ đồng.

Hiện nay toàn bộ mặt bằng 2 khu tái định cư (bản Pật và bản Quắn) đã thi công xong và đã chia lô cho các hộ tái định cư. Vì chưa được đầu tư điện, nước, hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh nên tại bản Pật (xã Châu Tiến) chưa bố trí dân cư đến ở; còn tại bản Quắn (xã Liên Hợp), địa phương đã bố trí cho 22 hộ dân đến xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, các hộ dân đến đây ở trong tình trạng điện, nước chưa được đầu tư xây dựng, sóng điện thoại, nhà hội trường… không có, đường giao thông chưa được đầu tư xây dựng.

Ông Vi Văn Đức, Trưởng bản Quắn (xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp) cho biết : “Năm 2018 chúng tôi tăng cường vận động, tuyên truyền bà con nhân dân lên ở khu tái định cư tạm bợ. Nhưng hiện nay người dân lên ở đây chỉ có xây dựng nhà ở thôi, nguồn nước chưa có, điện cũng chưa có, nhà cộng đồng cũng chưa có, đường giao thông thì đi rất vất vả”.

Ông Vi Văn Thái, người dân bản Quắn (xã Liên Hợp) buồn bã nói “Lên đây khó khăn lắm, bởi vì đường đi, nước uống không có, khó khăn đủ bề. Các cháu học hành vất vả, đường xa. Bà con không có nhà cộng đồng, muốn sinh hoạt, họp hành phải góp tiền lại để đi thuê mới có sinh hoạt”.

Dự án được coi là cấp thiết, khẩn cấp đúng với tính chất tên gọi khi phê duyệt dự án, nhưng việc bố trí vốn nhỏ giọt, lại bị cắt giảm nhiều nên dự án chậm tiến độ. Đến nay giai đoạn 1 vẫn còn nợ nhà thầu trên 5,4 tỷ đồng từ nhiều năm nay, gây bức xúc cho nhà thầu.

Tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra thực trạng xây dựng khu tái định cư do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn.

Đoàn kiểm tra khẳng định những phản ánh của người dân là đúng, huyện Quỳ Hợp chưa chủ động phối hợp với các ngành cấp tỉnh để tranh thủ, vận động các nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Bên cạnh đó, việc đôn đốc, chỉ đạo của huyện chưa tốt; các sở, ngành chuyên môn chưa kiểm tra chặt chẽ để có giải pháp chỉ đạo kịp thời; chưa bố trí vốn phù hợp cho dự án.

Tuy biết những bức xúc của người dân là đúng nhưng nhiều năm nay tỉnh Nghệ An và huyện Quỳ Hợp vẫn không thể bố trí vốn để đầu tư thực hiện tiếp dự án, để dự án dang dở.

*Cần sớm hoàn thành dự án

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, dự án di dân khẩn cấp nhưng tính chất khẩn cấp đang mất dần. Khẩn cấp đang trở thành chậm chạp, "rùa bò".

Ông Nguyễn Thành Vinh, đại diện nhà thầu thi công dự án cũng cho biết: “Dự án di dân khẩn cấp là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên sự quan tâm của chính quyền địa phương chưa sát sao cho nên một dự án di dân khẩn cấp mà đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Dân vào khu tái định cư để ở trong tình cảnh chỉ là ép buộc, chưa đủ điều kiện để tái định cư”.

Tìm hiểu được biết, đến nay giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và được phê duyệt quyết toán với giá trị quyết toán là 19,077 tỷ đồng; trong đó vốn đã thanh toán hơn 13,6 tỷ đồng, vốn còn thiếu hơn 5,4 tỷ đồng.

Trong số kinh phí còn thiếu, tỉnh Nghệ An đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp phải bố trí để trả nợ cho phần khối lượng phát sinh tăng do huyện tự ý thực hiện không báo cáo UBND tỉnh là hơn 1,6 tỷ đồng.

Hiện nay mong muốn lớn nhất của người dân đó là tỉnh Nghệ An khẩn trương bố trí các nguồn vốn để thực hiện hoàn thành dự án.

Đối với khu tái định cư bản Quắn (xã Liên Hợp) trước mắt bố trí vốn để làm điện, nước, hoàn thiện đường giao thông, nhà cộng đồng… để dân ổn định cuộc sống và tránh lãng phí dự án.

Ông Vi Văn Đức, Trưởng bản Quắn (xã Liên Hợp) nói: “Dân cần nhất hiện nay ở khu tái định cư này là đường giao thông, điện, nước, nhà cộng đồng để sinh hoạt”.

Thực tế, thời gian gần đây do khu tái định cư chưa hoàn thành và do tác động của thiên tai nên đã xảy ra tình trạng sạt lở mặt bằng, đường giao thông tại khu tái định cư, có chỗ đã khoét sâu vào trong, xói lở, hư hỏng.

Ông Vi Thanh Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Đang còn rất thiếu thốn hệ thống đường, hệ thống nước và điện... Chúng tôi đang xin tiếp tục đầu tư. Ngân sách huyện thì rất khó khăn. Đề nghị tỉnh và các ngành cấp trên kịp thời hỗ trợ và cấp vốn để chúng tôi tiếp tục triển khai cho nhân dân đến ở kịp thời”.

Để dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến và xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp) sớm được triển khai thực hiện hoàn thành, phát huy hiệu quả thì phải nhất thiết đầu tư thực hiện tiếp dự án, không thể để mãi tình trạng đầu tư nửa vời như vậy.

Đây cũng là việc làm tránh lãng phí vốn đầu tư và cũng để giải tỏa bức xúc của người dân, đáp ứng mong đợi của người dân có nơi ở mới ổn định, an toàn trước đe dọa của thiên tai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục