Dự báo mới nhất về bão Mangkhut

21:28' - 13/09/2018
BNEWS Chiều 13/8, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Lê Thanh Hải cho biết, bão Mangkhut đang ở cấp siêu bão, lên đến cấp 16-17.

Khoảng sáng sớm ngày 15/9, bão Mangkhut sẽ vượt qua kinh tuyến 120 đi vào Biển Đông. Thời điểm đó vòng đời của cơn bão đã đến lúc “già đi” và khả năng khi vào đến vùng biển phía Bắc Biển Đông, bão Mangkhut sẽ giảm xuống cấp 14-15, gió giật cấp 16-17.

Bão sẽ còn giảm tiếp khi vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Ngày 16/9, bão Mangkhut sẽ ảnh hưởng tới vịnh Bắc Bộ và vẫn còn rất mạnh, vùng tâm bão vẫn còn ở cấp 11-12, sức gió cấp 10 bao trùm toàn vịnh Bắc Bộ.

Đến thời điểm này, Tổng cục có thể tính toán khả năng 70-80% bão cấp 11-12 ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An. Những điểm đáng lưu ý về ảnh hưởng của bão này gây ra là sóng mạnh, gió lớn trên vịnh Bắc Bộ sẽ bắt đầu từ sáng sớm ngày 16 đến sáng sớm 17/9. Từ trưa và chiều 17/9, bão sẽ đổ bộ vào Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

Thậm chí rìa Nam của bão sẽ còn ảnh hưởng đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Từ các tính toán của Tổng cục Khí tượng Thủy văn về sóng gió và thủy triều, nước dâng do bão..., khi bão đổ bộ vào trưa 17/9 cũng là lúc thủy triều lên cao nhất nên sẽ gây ra nước dâng do bão, sóng sẽ cao từ 4 - 6m. Đê biển của toàn bộ các vùng từ Móng Cái đến Nghệ An sẽ ảnh hưởng.

Trước đó, các đảo thuộc khu Đông Bắc từ Quảng Ninh, Hải Phòng cần có cảnh báo sớm để có các phương án phòng chống, di dời.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Lê Thanh Hải cũng cảnh báo từ chiều 17/9 sẽ có những đợt mưa rất lớn, khoảng 300 - 400m tại Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Đồng thời, hiện đã vào thời điểm cuối mùa mưa, các hồ chứa của Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An lượng nước đã ở mức rất cao nên cần có sự điều tiết khi có thêm đợt mưa lớn này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhấn mạnh: Nguy hiểm nhất của cơn bão là gió mạnh và phạm vi rộng. Khi vào đến Biển Đông, có thể bão sẽ đi tương đối nhanh ở khoảng 25 km/giờ. Tính từ khi bão vào Biển Đông đến lúc vượt qua kinh tuyến 120 vào vịnh Bắc Bộ chỉ khoảng 36-42 giờ.

Chúng tôi đang rất lo ngại về lượng mưa sắp tới bởi hiện nay Thủy điện Hòa Bình mức độ trữ nước cho phép chỉ là 117m mà hiện đã ở mức 116,98m. Tổng cục đã trao đổi thông tin với Tổng cục Phòng chống thiên tai để có những phương án xử lý sớm và khả năng phải mở thêm cửa xả đáy ở Thủy điện Hòa Bình - ông Lê Thanh Hải nói.

Hiện có hai kịch bản khác nhau về đường đi của bão Mangkhut. Kịch bản dễ xảy ra (lên đến 60%) là bão đi về phía Bắc vịnh Bắc Bộ, kịch bản 2 sẽ đi thấp hơn vào giữa vịnh Bắc Bộ. Tổng cục tạm thời đưa ra kịch bản cơn bão cấp 11-12, giật cấp 14-15 khi vào vịnh Bắc Bộ, nhưng rất có thể bão sẽ giảm thêm khi bị ảnh hưởng của đảo Hải Nam và các vùng ven bờ.

Về hiệu ứng Fujiwhara (hai cơn bão chập làm một), ông Lê Thanh Hải cho biết, hiệu ứng này chỉ xảy ra khi hai cơn bão cách nhau dưới 2.000km, hiện hai bão số 5 và bão Mangkhut cách nhau hơn 4.000 km nên không có khả năng xảy ra. Đồng thời, việc hai cơn bão gần nhau cũng chưa chắc có thể tạo thành một cơn bão mạnh hơn mà có thể làm suy yếu nhau hoặc ảnh hưởng đến đường đi của nhau.

Với khu vực Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, theo tính toán khi bão vào đến khu vực Hà Nội sẽ gây ra gió mạnh cấp 8. Người dân cùng các cấp chính quyền cần lưu ý gió giật mạnh, có thể cần tính toán đến biện pháp cấm cầu tại các cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy... để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại. Ngoài lượng mưa sẽ gây ra tại Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An, bão có khả năng gây mưa tương đối lớn tại vùng Tây Nguyên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục