Dự báo thế giới sẽ tăng nhu cầu về rau quả tươi và chế biến

18:20' - 24/05/2017
BNEWS Nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới dự báo sẽ tăng. Đây có thể coi là cơ hội tốt cho rau quả Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”.
Nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới dự báo sẽ tăng, đây là tín hiệu tích cực với Việt Nam. Ảnh: Đinh Huệ/TTXVN

Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tại hội thảo “Ngành hàng rau quả - Xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu” tổ chức ngày 24/5 tại Hà Nội cho biết, thị trường rau quả có tỷ trọng lớn nhất trong nhóm thực phẩm tươi sống toàn cầu.

Trong đó, rau và trái cây chiếm tới hơn 59% và có tốc độ tăng trưởng 2,88% trong giai đoạn 2016-2021. Đặc biệt, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới dự báo sẽ tăng. Đây có thể coi là cơ hội tốt cho rau quả Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Ông Nguyễn Đức Lộc, đại diện Ipsard cho rằng, nhu cầu cung ứng sản phẩm chất lượng được chứng nhận đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều loại rau quả của Việt Nam với chứng nhận chất lượng đã có mặt trên nhiều thị trường "khó tính".

Điều này tạo động lực mới cho ngành rau quả của Việt Nam trong định hướng phát triển rau quả sạch, đạt chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy suất nguồn gốc.
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường rau quả như trồng và thu hoạch rải vụ, để tránh đối đầu với các sản phẩm trái cây của Trung Quốc, Thái Lan; nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm bằng chứng nhận GAP; cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng…
Tuy nhiên, hiện Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản rau quả để xuất khẩu và sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
Đại diện Tập đoàn PAN cho hay, Việt Nam có nhiều thuận lợi, ngoài điều kiện đất, nước, khí hậu thì Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng đến hiệu quả, chất lượng cao hơn và với mục tiêu tăng trưởng kép 3,5-4% từ năm 2016-2020, trong đó định hướng vào ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, người dân và doanh nghiệp đang chú trọng nhiều hơn vào các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến nhu cầu đối với sản phẩm sạch tăng cao. Điều này tạo ra sức cạnh tranh cao hơn đối với các sản phẩm rau quả của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, hệ thống quản lý chất lượng rau quả đầu ra và vào của Việt Nam chưa tốt; khả năng truy suất nguồn gốc của sản phẩm còn rất kém và gia tăng rủi ro an toàn thực phẩm trong vài năm qua, đối với hàng hóa xuất khẩu và cả thị trường nội địa.

Do vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra để mở rộng xuất khẩu là phải nâng cao quản lý chất lượng, công nghệ và đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để đảm bảo điều kiện bảo quản sản phẩm tốt hơn…
Công ty TNHH Fine Fruit Asia là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thanh long, xoài. Ông Nigel Smith, Tổng giám đốc công ty này cho rằng, trái cây đang chiếm ưu thế trong xuất khẩu khu vực và Việt Nam là một trong các đối tác quan trọng trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, Việt Nam lại đang phụ thuộc nhiều nhất vào sản phẩm xuất khẩu hàng đầu là thanh long với 82% và Trung Quốc thì "thống trị" cầu xuất khẩu Thanh Long (với hơn 90%), nhưng đây lại là một thị trường bất ổn.
“Sự phụ thuộc quá nặng nề vào xuất khẩu một sản phẩm chính và hạn chế phát triển các sản phẩm khác sẽ gây ra những tác động xấu cho ngành rau quả và nhiều rủi ro cho người sản xuất”, ông Nigel Smith nói.
Thực tế cũng cho thấy, ngoài việc rau quả phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc thì kênh thị trường trong nước vẫn còn phân mảnh, sản xuất còn nhỏ lẻ và tính hợp tác trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất và xuất khẩu còn thiếu ổn định. Điều này khiến cho Việt Nam khó có thể đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường...
Do vậy, ông Nigel Smith cho rằng, Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm rau quả hơn; đồng thời hướng vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng cạnh tranh và có quy mô lớn để kết nối thị trường đầu ra, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
"Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xây dựng quan hệ đối tác 3 chiều thực sự giữa doanh nghiệp, nông dân và Chính phủ ở cả cấp khu vực và cấp ngành với mục tiêu chung là xây dựng nhóm rau, trái cây cạnh tranh trên thị trường quốc tế", ông Nigel Smith kiến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục