Dự báo thị trường thịt lợn Trung Quốc năm 2022

09:31' - 24/12/2021
BNEWS Thị trường thịt lợn Trung Quốc đang khiến các chuyên gia lo ngại, kéo theo những hệ lụy đối với toàn ngành thịt đỏ.

Theo nhận định mới nhất từ Quality Meat Scotland (QMS), thị trường thịt lợn ở Trung Quốc đang biến động. Ông Iain Macdonald - chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, thị trường thịt lợn của Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn biến động mạnh kể từ đợt dịch bệnh tả lợn châu Phi (ASF) lớn vào năm 2018/19.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA, sản lượng thịt lợn giảm từ mức trung bình 54 triệu tấn năm 2016-18 xuống 43 triệu tấn năm 2019 và 35 triệu tấn năm 2020. Để giúp giảm bớt tình trạng thiếu nguồn cung, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã tăng từ mức trung bình năm 2016-18 là 1,66 triệu tấn. lên 2,45 triệu tấn vào năm 2019 và 5,28 triệu tấn vào năm 2020. Theo số liệu của USDA, nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc tăng gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2020, đạt 2,78 triệu tấn.

Sự thiếu hụt nguồn cung trầm trọng khiến giá thịt lợn tăng vọt trong năm 2019 và vẫn ở mức cao cho đến đầu năm 2021.

 

Thịt lợn bán buôn đã tăng từ khoảng 18 nhân dân tệ/kg (2,1 bảng Anh/kg) vào tháng 3/2019 lên mức cao nhất 52 nhân dân tệ/kg (6,1 bảng Anh/kg) vào tháng 11/2019, trước khi dao động ở mức 40-50 nhân dân tệ/kg cho đến đầu năm 2021.

Giá bán buôn thịt bò, thịt cừu và thịt gà cũng tăng đáng kể. Những tác động này cũng ảnh hưởng đến các thị trường bên ngoài Trung Quốc, làm tăng giá thịt trên thị trường toàn cầu, bao gồm cả Anh, nơi Trung Quốc chiếm từ mức 20-25% xuất khẩu thịt lợn của Anh lên hơn một nửa trong quý 1/2021.

Tuy nhiên, giữa mùa xuân và mùa thu năm 2021, thị trường thịt lợn Trung Quốc hoàn toàn thay đổi. Vào cuối tháng 8/2021, giá thịt lợn bán buôn đã giảm xuống dưới mức trước khi bùng phát dịch tả ASF; sau kỳ nghỉ lễ của Trung Quốc vào tháng 10, giá đã giảm xuống dưới 18 nhân dân tệ/kg, giảm hơn 60% so với tháng 1/2021, do sự phục hồi nhanh chóng của ngành chăn nuôi trong nước, vốn được khuyến khích bởi lợi nhuận cao trong năm 2019 và năm 2020.

Tuy nhiên, khi sản lượng trong nước tăng trong mùa xuân và mùa hè, thì giá thịt lợn giảm xuống thấp hơn chi phí sản xuất, lúc đó nông dân ồ ạt thanh lý đàn, sau đó sản lượng lại phục hồi, gây thêm áp lực giảm giá. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc giảm mạnh trong mùa hè, chứng tỏ nguồn cung trong nước đã đủ và góp phần làm giảm giá trên toàn thế giới.

Mọi việc lại nhanh chóng thay đổi vào tháng 10/2021 khi giá thịt lợn bán buôn đã tăng 35% chỉ trong 5 tuần và đóng cửa tháng 11/2021 cao hơn mức trung bình năm 2016-18 khoảng 18%, lên mức 24,5 nhân dân tệ/kg (2,9 bảng Anh/kg). Có khả năng thị trường nhanh chóng thiếu nguồn cung do lượng tái đàn trong nước thấp sau chu kỳ thanh lý đàn cộng với việc giảm nhập khẩu thịt lợn.

Ông Macdonald cho biết: Một điểm đáng chú ý về sự biến động của thị trường thịt lợn là trong khi giá bán buôn thịt bò và thịt cừu tăng do thiếu hụt nguồn cung trong năm 2019 và năm 2020, nhưng năm 2021 giá đã không giảm mạnh so với thịt lợn.

Giá bán buôn thịt cừu giảm nhẹ giữa mùa xuân và mùa hè nhưng vẫn cao hơn mức trước khi bùng phát dịch tả ASF, trong khi giá thịt bò dường như không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của thị trường thịt lợn. Cuối tháng 11/2021, giá thịt bò và thịt cừu giao dịch ở mức hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu trên thị trường bán buôn Trung Quốc, lần lượt là 9,1 bảng Anh/kg và 8,30 bảng Anh/kg; đều cao hơn năm ngoái khoảng 2%.

Ông Macdonald cho rằng, có vẻ như nguồn cung thịt lợn trong giai đoạn 2019-20 giảm, đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang dùng các loại thịt khác thay thế thường xuyên hơn, tạo thành nhu cầu lâu dài đối với thịt bò và thịt cừu, trong khi nhu cầu thịt lợn có thể chưa phục hồi hoàn toàn. Trên thực tế, USDA dự đoán rằng tiêu thụ thịt lợn năm 2021 sẽ vẫn giảm 10% so với mức năm 2016-18 và giảm 13% vào năm 2022.

Hiện tại, USDA dự báo nhập khẩu thịt bò tăng 8% trong cả năm 2021 và năm 2022, trong khi nhập khẩu thịt lợn được dự báo sẽ giảm 15% trong năm 2021 trước khi tăng 6% vào năm 2022. Dự báo của FAO/OECD về mức tăng trưởng tiêu thụ thịt cừu là 1% vào năm 2021 và năm 2022, trong đó nhập khẩu tăng 40% so với mức trung bình trong giai đoạn 2016-18.

Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo cơ hội đáng kể cho các nước xuất khẩu thịt bò và thịt cừu năm 2022. Trong khi đó, mặc dù nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc giảm, nhưng dự kiến sẽ vẫn tăng gần gấp ba lần so với mức trung bình trong giai đoạn 2016-18.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục