Đủ cơ sở pháp lý để mua ngân hàng 0 đồng

20:06' - 26/10/2015
BNEWS Việc Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc 3 ngân hàng 0 đồng thời gian qua là có cơ sở pháp lý và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
 

Tại buổi tọa đàm Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) tổ chức chiều ngày 26/10, đa số các đại biểu tham dự đều cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc 3 ngân hàng 0 đồng thời gian qua là có cơ sở pháp lý và phù hợp với bối cảnh hiện nay.       

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần của 3 tổ chức tín dụng (VNCB, Oceanbanh, GP.Bank). Đây là giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay và là những bước đi đầu tiên rất quan trọng để tiến tới triển khai thực hiện thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo tố tụng tư pháp quy định tại Luật phá sản Quốc hội vừa thông qua năm 2014.     

Biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần của các tổ chức tín dụng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt đã được quy định khá rõ ràng, đầy đủ trong Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cả 3 phương diện: thẩm quyền, điều kiện và trình tự, thủ tục áp dụng.    

  Bà Nga phân tích, trong quá trình triển khai đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, pháp luật cho phép các tổ chức tín dụng tự tái cơ cấu và thực tiễn các tổ chức tín dụng này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước tạo mọi điều kiện để tự tái cơ cấu.   

  Tuy nhiên, đối với những ngân hàng yếu kém, cổ đông không thể đề xuất phương án tái cơ cấu như trường hợp GP.Bank hoặc có đề xuất nhưng không khả thi nên Ngân hàng Nhà nước không phê duyệt như trường hợp VNCB và Oceabank thì sớm muộn Nhà nước cũng phải can thiệp theo pháp luật dưới các hình thức như: thực hiện theo quy định của Luật phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện các biện pháp xử lý theo thẩm quyền được giao.   

     “Như vậy, giải pháp phù hợp và khả thi nhất tại thời điểm này là Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. S  ự có mặt của Ngân hàng Nhà nước cũng đã đồng nghĩa với sự đảm bảo của Nhà nước cho sự an toàn về tài sản của mình đã góp phần tạo sự    yên tâm cho người gửi tiền trong bối cảnh cụ thể này.   Chúng tôi cũng rất chia sẻ với các cổ đông khi họ bị ảnh hưởng quyền lợi do ngân hàng mà họ có phần sở hữu đã rới vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt và phải bán bắt buộc. Rủi ro trong đầu tư là điều không ai muốn”. - bà Nga bày tỏ.    

  Theo đánh giá của các chuyên gia, biện pháp này thể hiện sự công bằng đối với các bên tham gia vào sở hữu và hoạt động ngân hàng thương mại.    Những người có thẩm quyền trong việc sở hữu và hoạt động ngân hàng đã có quyết định chưa đúng nên phải chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Thẩm quyền phải đi đôi với trách nhiệm, các cổ đông của các tổ chức tín dụng này bị mất cổ phần vì đã để ngân hàng làm ăn kém hiệu quả dẫn đến vốn chủ sở hữu bị âm.   

Toàn cảnh buổi tọa đàm Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cũng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại ngân hàng yếu là giải pháp duy nhất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Song, Luật sư Đức cũng cho rằng, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và trong tình hình hệ thống pháp luật chưa đầy đủ. Vì vậy, sự việc đã ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý nhà đầu tư nói chung và cổ đông ngân hàng nói riêng.    

  Vì vậy, để đảm bảo chắc chắn và rõ ràng cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cần xem xét sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 hoặc sửa Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008 theo hướng cho phép nhận chuyển nhượng bắt buộc phần vốn góp hoặc cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết.   

  Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nga, việc mua lại các ngân hàng chỉ nên là giải pháp tình thế. Luật phá sản mới được Quốc hội khóa XIII thông qua đã mở ra hành lang pháp lý cho việc thực hiện các thủ tục phá sản tổ chức tín dụng. Đây là phương án cần được tính đến.    

  Để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp hữu hiệu chống lại thói “ỷ thế làm liều” của cả hai bên. Hơn nữa, để các ngân hàng thương mại phá sản sẽ công bằng hơn và như vậy Nhà nước sẽ không phải can thiệp giải cứu./.   

  Đỗ Huyền   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục