Du học sinh Việt Nam: “Chúng con sẽ ổn”!

09:54' - 24/03/2020
BNEWS Cho con về nhà hay ở lại nước sở tại khi dịch COVID-19 bùng phát là trăn trở của nhiều cha mẹ du học sinh trong những ngày tháng Ba "nước sôi lửa bỏng này". Đây là tâm sự của những người trong cuộc.

“Lúc nào mình cũng để điện thoại, cả mấy đêm này không thể ngủ được, cứ thiếp đi một lúc, tỉnh dậy lại vồ lấy cái điện thoại xem con có nhắn hay gọi không. Thương các con kinh khủng”. Chị Phan Thuý Phương đã trải lòng như vậy trong nhóm “Cộng đồng cha mẹ du học sinh Việt Nam anti-COVID-19” trên mạng xã hội Facebook.

Đây cũng là tâm trạng chung của chúng tôi-những cha mẹ học sinh có con đang du học trong những ngày tháng Ba “nước sôi lửa bỏng này”!

*Cho con về yên tâm hơn?

Chỉ trong chưa đầy một tuần từ ngày lập nhóm vào ngày 15/3 đến hôm nay, “Cộng đồng cha mẹ du học sinh Việt Nam anti-COVID-19” trên mạng xã hội Facebook đã thu hút 2.833 cha mẹ tham gia cùng chia sẻ những trăn trở vào thời khắc rất khó khăn này.

Rất nhiều câu hỏi được các cha mẹ chia sẻ trên nhóm này như: Cho con về hay ở lại? Liệu về con có an toàn hơn không? Đi về con có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trên máy bay hay ở sân bay không? Phải làm thế nào đưa các con về khi nhiều hãng hàng không hoãn chuyến bay, nhiều nước cấm transit? Phải làm gì giúp con khi trường đóng cửa ký túc xá mà con muốn ở lại? Ở lại thì ở đâu cho an toàn trong lúc dịch bùng phát?

Cũng chính vì quá lo lắng khi diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nhiều cha mẹ đã “liều” đặt vé để đưa các con về nước tránh dịch cho dù biết rất rõ rủi ro lây nhiễm khi di chuyển là khá cao.  

Chị Minh Nghĩa có con trai đang học tại Australia chia sẻ: “Mỗi ngày con trai lại cập nhật số ca mắc COVID-19 tại Australia và gửi tin nhắn cho tôi. Con bảo rất sợ và muốn về nên tôi quyết cho con về. Dù gì thì ở Việt Nam vẫn an toàn cho con hơn, cha mẹ cũng bớt lo lắng bởi có làm sao thì vào viện chữa chạy.”

Còn chị Hạnh có con gái học đại học tại Đức thì cho biết “Con gái tôi ngày nào cũng gọi điện về rất hoảng sợ bởi số ca mắc COVID-19 tại Đức tăng chóng mặt. Con lo nếu mắc COVID-19 mà ở một mình thì sẽ không biết làm thế nào cả và nguyện vọng của con là muốn bay về Việt Nam ngay lập tức”.

Vì quyết định nhanh nên hiện giờ cả con chị Nghĩa, chị Hạnh đều đã về Việt Nam suôn sẻ và đang cách ly tại nhà và trong doanh trại quân đội.

Tuy nhiên, vì quyết định muộn nên nhiều du học sinh đã không thể bay về suôn sẻ. Ngày 23/3, hơn 30 du học sinh từ sân bay Dallas (Mỹ) về Việt Nam, transit tại Nhật Bản đã không thể bay được do hãng Japan Airlines không chắc chắn được thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.

Hậu quả là các du học sinh này đã bị mắc kẹt tại sân bay Dallas, phải vạ vật trong nhiều giờ với tinh thần lo âu mệt mỏi, nguy cơ lây nhiễm cao. Cũng may là Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đã "giải cứu" kịp thời để đổi lịch trình bay. Theo thông tin từ chính các phụ huynh của nhóm học sinh này, hiện các em đang trên đường bay về Việt Nam trong ngày 24/3.

Và chắn chắn là sự thay đổi này sẽ không chỉ tốn kém hơn về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của các con, một phụ huynh đã bày tỏ tâm tư như vậy trên Cộng đồng cha mẹ du học sinh Việt Nam anti-COVID-19. 

*Ở lại sẽ an toàn hơn?

 

“Không phải là tôi không lo lắng nhưng đến nước mà dịch bùng nổ ở khắp mọi nơi như thế này thì con ở đâu cứ ở đó, ở trong nhà mà học online là an toàn nhất rồi”, một bác sỹ có con đang học tại Cộng hoà Séc chia sẻ.

Theo vị bác sỹ này, trong khi diễn biến dịch ngày càng phức tạp và bùng phát nhanh như hiện nay, nguy cơ rủi ro lây nhiễm khi di chuyển từ nước ngoài về Việt Nam là rất cao.

Và rồi khi về đến Việt Nam lại cách ly 14 ngày tập trung thì các con sẽ khó tránh khỏi tâm lý mệt mỏi lo âu. Vì vậy, vị bác sỹ này đã khuyên con ở lại. 

Thực tế là với tình trạng nhiều người Việt Nam, trong đó có du học sinh ở nước ngoài trở về nước để tránh dịch cũng sẽ tạo ra những áp lực nhất định tại các khu cách ly tập trung.

Chị Lê Thuý Hoa có con đang học tại Pháp thì chia sẻ “Vợ chồng chúng tôi và con trai đều quyết định ở lại nước sở tại để con tiếp tục học online tại nhà thuê riêng. Hơn nữa, Pháp và một số nước châu Âu cũng phong toả nên yên tâm hơn”.  

Chị Lê Thuý Hoa cũng cho biết, hiện mỗi người ở Paris khi ra ngoài phải có tờ khai in trên mạng, ghi rõ ngày và tích vào ô mục đích ra ngoài. Khi ra cũng chỉ được đi một mình và di chuyển đến các siêu thị, hàng thuốc gần nhà.

Hoặc các con có thể đặt mua đồ ăn và vật dụng cần thiết qua Uber, giai đoạn dịch còn được miễn tiền ship. Đồ ăn đặt ở cửa nhà và người đặt tự theo dõi hành trình để ra lấy đồ ăn, không gặp người giao hàng. Vì vậy cũng hạn chế rủi ro lây nhiễm bệnh, chị Lê Thuý Hoa cho hay.

Tuy nhiên, chọn phương án ở lại nước sở tại cũng có những khó khăn nhất định. Thực tế là nước rửa tay sát khuẩn thì các du học sinh có thể mua tại siêu thị qua đặt hàng online, hoặc trên Amazon.

Còn khẩu trang rất khó mua bởi các cửa hàng thuốc ở châu Âu hay ở Mỹ, Australia thường chỉ bán cho bác sỹ hoặc người đã bị bệnh. Thêm vào đó, người dân ở các nước phát triển này không có thói quen đeo khẩu trang tránh ô nhiễm như ở châu Á. Vì vậy khi đại dịch bùng phát không kịp sản xuất để bán đại trà, chị Quỳnh Hương có con đang học tại Mỹ chia sẻ.

“Giải pháp để các con ở lại an toàn là các cha mẹ nên mua khẩu trang vải gửi sang cho các con qua dịch vụ phát chuyển nhanh, tuy rằng phí chuyển từ Việt Nam qua các nước này cũng tốn cả 2 triệu đồng cho 50 chiếc khẩu trang vải nhưng như thế sẽ yên tâm hơn”.  

Cũng chị Quỳnh Hương cho biết, con trai chị đang chuẩn bị đi thực tập ở một Công ty truyền tải điện của Mỹ. Vì vậy, quyết định ở lại không những giúp con tránh lây nhiễm trên chặng di chuyển về Việt Nam mà còn giúp con tận dụng cơ hội thực tập lấy kinh nghiệm và được trả lương tại Mỹ.

Đây cũng là suy nghĩ tích cực của nhiều phụ huynh trên Cộng đồng cha mẹ du học sinh Việt Nam anti-COVID-19.

Một phụ huynh có tên Nguyen Hai Bang trên Cộng đồng cha mẹ du học sinh Việt Nam anti-COVID-19 đã khuyên các phụ huynh rằng “các con đã quyết định ở lại thì bình tĩnh mà ở lại. Đợi vài tuần cho qua đỉnh dịch rồi quyết cũng chưa muộn. Bây giờ quan trọng là khuyến khích các con tránh tiếp xúc với người khác, tập trung học online. Với các trường không còn ký túc xá thì cố gắng tìm xung quanh theo cộng đồng bởi có rất nhiều người Việt ở nước ngoài sẵn lòng cho sinh viên đến ở hoặc đến các nhà thờ Mỹ hay chùa Việt Nam tại Mỹ cũng có hỗ trợ nhất định. Giờ này chúng ta không nên tìm cách đưa các con ra sân bay nữa, rủi ro vất vưởng trên đường sẽ cao hơn là về được Việt Nam rất nhiều”

Một số phụ huynh có con du học tại Canada cũng cho biết “đến thời điểm này, nhiều nước như Mỹ, Canada, Hàn Quốc hay một số nước châu Âu đã có chính sách hỗ trợ chữa COVID-19 cho các du học sinh có bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc ở lại cũng không quá lo ngại”.

* “Chúng con sẽ xoay sở được”

Ngay cả trong những ngày tin tức về dịch COVID-19 chiếm đến 70% thời lượng các phương tiện truyền thông đại chúng thì Quang Anh-một du học sinh tại Mỹ vẫn luôn bình tĩnh và tin tưởng vào khả năng xử lý dịch bệnh tại nước sở tại cũng như khả năng tự phòng chống lây nhiễm của bản thân.

Trong mọi cuộc trò chuyện qua Facetime với gia đình ở Việt Nam, Quang Anh thường xuyên khuyên cha mẹ không nên quá lo lắng bởi tình hình thực tế không tệ như báo đài vẫn đưa. “Ở thị trấn sát biên giới giữa bang Iowa và Wisconsin này, những người trẻ vẫn dắt chó đi dạo và tập thể dục trong công viên, chỉ là ít thấy người cao tuổi so với ngày thường. Hơn thế, với việc tập luyện thể thao hàng ngày, ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước, tinh thần thoải mái, cộng thêm rửa tay thường xuyên thì COVID-19 khó có thể xâm nhập. Mà ngay cả khi mắc COVID-19 thì với thể lực tốt và tuổi trẻ, khả năng phục hồi sẽ nhanh, không có gì quá lo ngại", Quang Anh chia sẻ.

Du học sinh này cũng cho biết, khi dịch bệnh tại Mỹ diễn biến phức tạp, em đã chuẩn bị mọi kế hoạch cho tình huống xấu nhất. Đó là xin đến nhà bạn người Mỹ ở cùng, hoặc chuyển đến nhà thuê riêng của một bạn Việt Nam ở bang khác, hoặc rủ một số bạn trong ký túc xá thuê một căn hộ để ở khi ký túc xá đóng cửa.

Và may mắn đã đến với chàng trai 20 tuổi luôn bình tĩnh tự tin này khi một giáo sư tốt bụng trong trường đã cho về ở cùng khi ký túc xá của trường đại học đóng cửa. “Khó khăn nào thì cũng sẽ có phương án giải quyết, thực sự em không muốn bố mẹ ở nhà phải lo lắng thêm. Họ đã quá vất vả để lo tiền cho con cái được học hành tốt nhất ở nước ngoài”, Quang Anh chia sẻ.

Cùng suy nghĩ như Quang Anh, một du học sinh khác tại Mỹ có tên là Tường Linh đã lựa chọn không về Việt Nam.

Trong bức thư gửi gửi mẹ, Tường Linh lý giải “về Việt Nam bây giờ nhiều rủi ro lại đem thêm gánh nặng cho ngành y tế Việt Nam. Điều khó khăn cho con là phải nói lời chia tay với nhiều bạn bè thân thiết. Hai tuần tới và có thể là trong 2 tháng tới, con sẽ phải ở trong ký túc xá vắng vẻ. Tuy nhiên, con có nhiều việc phải làm, hàng ngày con vẫn lên thư viện và đến văn phòng, còn bao nhiêu sách hay, phim hay đang chờ con. Con ăn uống khoa học (sáng yến mạch-trái cây-yaourt, trưa một chút thịt trắng, tối salad hoặc soup rau củ), tập tành đều và ngủ sớm hơn ở nhà nên sức khỏe cũng ổn định hơn”.

Còn với Bùi Phi Long, một du học sinh tại Anh có gia đình ở Ba Lan, em kiên cường "tự chữa COVID-19" khi biết dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không được nhập viện. 

Trong video clip đang gây “sốt” trên mạng xã hội, Phi Long cho biết đã tự cách ly trong nhà tại Ba Lan, uống thuốc hạ sốt paracetamol khi nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C, vẫn duy trì tập thể dục để nâng cao sức khoẻ và học online. 

Phi Long cũng cảnh báo các bạn trẻ "Tôi đã bị dính Covid-19, đừng nghĩ thanh niên không thể mắc bệnh. Thời gian này mọi người nên tự cách ly ở nhà, đừng ra ngoài tụ tập nơi đông người nữa. Covid-19 có thể chưa có triệu chứng, nhưng chúng có thể lây lan cho người thân và những người sức khỏe yếu hơn chúng ta".

Long cũng cho biết, tinh thần hiện rất lạc quan và đang lên mạng tìm kiếm những tour giá rẻ để khi khỏi bệnh hoàn toàn có thể đi du lịch.

Đi về hay ở lại là quyết định riêng của mỗi gia đình và mỗi du học sinh tuỳ theo điều kiện cụ thể. “Điều quan trọng nhất vẫn là các bố mẹ hãy tin tưởng ở con cái mình. Đây sẽ là động lực để chúng con tự tin, bình tĩnh đối diện với khó khăn. Chúng con sẽ ổn thôi. Bố mẹ yên tâm nhé!”, nhiều du học sinh đã chia sẻ như vậy trên mạng xã hội Facebook trong những ngày tháng Ba “nóng bỏng” này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục