Dự kiến tháng 2/2023, vaccine dịch tả lợn châu Phi sẽ được sử dụng trên toàn quốc

15:14' - 31/01/2023
BNEWS Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã tiêm vaccine AVAC ASF LIVE cho 600.544 con lợn tại các trang trại gia công cho công ty. Kết quả cho thấy 93,34% mẫu đáp ứng khả năng miễn dịch.

Tại cuộc họp về giám sát chất lượng và sử dụng 600.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam trên thực địa nhằm bảo đảm khi đưa vào sử dụng đạt yêu cầu về chất lượng (vô trùng, an toàn và hiệu lực) ngày 31/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, với tiến độ triển khai và kết quả tiêm vaccine thực địa đến thời điểm hiện nay, dự kiến trong tháng 2 sẽ công bố việc thương mại và sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu, Công ty cổ phần AVAC Việt Nam tiếp tục đánh giá độ dài miễn dịch của vaccine sau khi tiêm; giám soát virus ngoài thực địa; đánh giá thêm các chỉ tiêu như tiêu tốn thức ăn…

Để sau khi thương mại vaccine đạt hiệu quả, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Công ty cổ phần AVAC Việt Nam có những hướng dẫn, khuyến cáo chặt chẽ với người chăn nuôi khi tiêm phòng loại vaccine này như: đối tượng tiêm, độ tuổi tiêm, liều lượng, khoảng cách khi tiêm các loại vaccine phòng bệnh khác...

Vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi  AVAC ASF LIVE do Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã được cấp phép lưu hành vào ngày 08/7/2022 và đưa vào sử dụng có giám sát tại các trang trại chăn nuôi lợn.

Sau khi được phép lưu hành, Cục Thú y tiếp tục giám sát chất lượng 10 lô vaccine và đánh giá hiệu quả sử dụng 600.000 liều vaccine  AVAC ASF LIVE trên thực địa.

Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam, tính đến đầu tháng 1/2023, 4 lô vaccine đầu tiên sản xuất năm 2022 của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam đã được kiểm nghiệm và đạt yêu cầu chất lượng, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, hiệu quả và hiệu lực.

Triển khai tiêm, đến cuối tháng 12/2022, Công ty cổ phần AVAC Việt Nam đã tiêm trên 1.800 con lợn tại 13 trang ở các tỉnh thành. Kết quả lấy mẫu cho thấy, 94,4% đáp ứng yêu cầu miễn dịch.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần AVAC Việt Nam cũng phối hợp cùng Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tổ chức tiêm tại các trại gia công của doanh nghiệp này. Trước khi tiêm ở quy mô lớn, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã tiến hành đánh giá ở quy mô nhỏ ở trại thí nghiệm 650 con lợn thịt.

Kết quả cho thấy, lợn không có phản ứng phụ sau tiêm phòng vacccine, tất cả lợn đều có sức khỏe bình thường. Không phát hiện virus vaccine trong máu lợn, phân và nước bọt lợn sau khi tiêm vaccine 14 ngày. Đối chứng với đàn lợn không được tiêm, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam nhận thấy, đàn lợn không được tiêm không có kháng thể còn đàn lợn được tiêm có kháng thể 40% sau 14 ngày và 90% sau 28 ngày tiêm vaccine.

Được sự cho phép của Cục Thú y, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã sử dụng tiêm vaccine ở quy mô lớn. Theo đó, đến nay Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã tiêm cho 600.544 con lợn tại 545 trang trại gia công cho công ty. Đơn vị đã lấy 5.958 mẫu kiểm tra, kết quả cho thấy 93,34% mẫu đáp ứng khả năng miễn dịch.

Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, việc tiêm phòng vaccine yêu cầu đúng kỹ thuật rất quan trọng. Doanh nghiệp chỉ tiêm vaccine cho trại lợn thịt có sức khỏe tốt.

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng đề xuất thêm các nghiên cứu, đánh giá như việc phân biệt chủng virus vaccine và thực địa phức tạp nên cần có phương pháp đơn giản và độ chính xác cao. Cần đánh giá có sự xuất hiện của các biến chủng của virus vaccine sau khi tiêm hay không? Ảnh hưởng của virus vaccine cho lợn nái, lợn thịt không tiêm vaccine nếu nhiễm chủng virus vaccine như thế nào?

Tại cuộc họp các đại biểu cho rằng, Công ty cổ phần AVAC Việt Nam và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cần tăng tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra để có những đánh giá chính xác hơn. Hay việc có thêm những đánh giá khi tiêm ở quy mô nhỏ lẻ, bởi hiện nay các trang trại được tiêm hầu hết đang chăn nuôi an toàn sinh học cao.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cũng yêu cầu, các đơn vị có những đánh giá kỹ hơn về dịch tễ, lịch sử cơ sở chăn nuôi, nguy cơ mầm bệnh…  Bởi đây sẽ là điều kiện quan trọng để tiêm phòng thành công khi triển khai trên diện rộng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu cả hơn đơn vị có những báo cáo kỹ thuật chi tiết về quá trình triển khai tiêm vaccine 600.000 liều vaccine AVAC ASF LIVE để Bộ có những đánh giá chính xác về loại vaccine này trước khi công bố được sử dụng trên diện rộng.

Vượt qua hơn 4.000 công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh dịch tả lợn châu Phi và phát triển vaccine, với sự phối hợp của các nhà khoa học Hoa Kỳ, năm 2022, Việt Nam là nước đầu tiên đã nghiên cứu, sản xuất thành công hai sản phẩm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi - căn bệnh xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi năm 1921 với tỷ lệ chết lên đến 100%.

Đó là vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco và vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo thực hiện giám sát chất lượng và sử dụng 600.000 liều mỗi loại vaccine trên thực địa nhằm bảo đảm khi đưa vào sử dụng đạt yêu cầu về chất lượng (vô trùng, an toàn và hiệu lực).

Dự kiến, trong đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đánh giá việc sử dụng 1,2 triệu liều vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của hai công ty trên và quyết định đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục