Dự kiến tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2022 tăng 8,3%

13:05' - 08/09/2021
BNEWS Nguyên tắc phân bổ đối với vốn ngân sách Trung ương trong nước phải đảm bảo như: bố trí vốn để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 516.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2021; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 222.000 tỷ đồng, bằng với kế hoạch năm 2021; vốn ngân sách địa phương 294.700 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kế hoạch năm 2021.

Theo đó, kế hoạch đầu tư công năm 2022 với mục tiêu sẽ là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án đường cao tốc, cảng biển, hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu quan trọng; đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án liên vùng.

Bên cạnh đó, sẽ hoàn thành các tuyến đường ven biển chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, khởi công mới một số dự án có tính chất cấp bách, quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, dự án khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, nguyên tắc phân bổ đối với vốn ngân sách Trung ương trong nước phải đảm bảo như: bố trí vốn để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bố trí vốn để thu hồi tối thiểu 25% số vốn ứng trước, còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, sẽ bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm các dự án chuyển tiếp nhóm C của các địa phương chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025; đồng thời, bố trí đủ vốn theo giá trị quyết toán cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2022, các dự án dự kiến hoàn thành năm 2022; các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Ngoài ra, bố trí vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với khả năng thực hiện chương trình.

Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại để tập trung bố trí cho dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm liên vùng về giao thông, đường cao tốc, đường ven biển, thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Đối với vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương cần bố trí đủ vốn cho các dự án đủ thủ tục đầu tư như: dự án chuyển tiếp đã được gia hạn hiệp định, dự án khởi công mới đã ký hiệp định. Đối với vốn ngân sách địa phương tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022; giảm tối đa thời gian bố trí vốn của các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công; ưu tiên bố trí đủ vốn theo cam kết cho các dự án liên vùng, dự án đường ven biển.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công, trong tháng 8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Theo đó, đã tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm tiền vay cho bên vay lại, trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 06/8/2021 về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục