Du lịch Bến Tre vững nhịp phục hồi, sẵn sàng bứt phá

10:00' - 10/02/2024
BNEWS Đến năm 2030, Bến Tre đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; đồng thời trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực vượt khó, năng động và đổi mới không ngừng, hoạt động du lịch của tỉnh Bến Tre năm 2023 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, tỉnh đã đón và phục vụ trên 2,2 triệu lượt khách, tăng 72% so với cùng kỳ; đem về nguồn thu 2.763 tỷ đồng.

 

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có trên 50 khu du lịch và điểm đến tham quan, trải nghiệm; trên 90 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 10 cơ sở đã được công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch từ 1 - 5 sao, 77 cơ sở đủ điều kiện phục vụ khách du lịch với gần 1.700 phòng có sức chứa trên 3.000 khách. Công suất sử dụng phòng tại các cơ sở lưu trú du lịch có thời điểm đạt hơn 80%.

Theo ông Nguyễn Văn Trung – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, lượng khách và doanh thu từ du lịch có sự phát triển khá, ngoài thị trường khách du lịch nội địa tăng nhanh, lượng khách quốc tế quay trở lại cũng ngày càng nhiều. Cụ thể, khách quốc tế đạt 397.962 lượt, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ; khách nội địa đạt 1.812.084 lượt, tăng 51,8%; là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Bến Tre.

Để hút khách du lịch, Bến Tre đã tập trung phát triển một số loại hình du lịch chủ yếu như: du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn; tham quan di tích lịch sử - văn hóa; du lịch cộng đồng, du lịch biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, du lịch nông nghiệp... Sản phẩm du lịch phong phú đã giúp tỉnh trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách khi đến với quê hương Đồng Khởi. Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở kinh doanh; chủ động hơn trong việc làm mới sản phẩm du lịch hiện có, từng bước hình thành các loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch mang đặc thù vùng sông nước miệt vườn, tích cực tham gia các hoạt động liên kết, hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh đã đưa vào vận hành ứng dụng du lịch thông minh "Ben Tre Tourism" (gồm 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Nhật, Trung), có thể được tải và cài đặt trên các nền tảng di động thông dụng. Qua đó, cung cấp cho du khách đầy đủ các thông tin về hoạt động du lịch, các sự kiện nổi bật của tỉnh, cập nhật thông tin về chất lượng, giá cả các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh bao gồm lữ hành, lưu trú, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác dành cho du khách. Ngoài ra, ứng dụng còn là kho tích hợp dữ liệu về tài nguyên du lịch, giới thiệu di tích, điểm đến, bản đồ số du lịch Bến Tre.

Ngoài ra, Bến Tre cũng được đánh giá là địa phương có nhiều điểm sáng thu hút đầu tư du lịch năm 2023. Trong đó, nhiều dự án đầu tư du lịch phù hợp với xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp, với sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, các điểm đến và dịch vụ vệ tinh đã hoàn chỉnh… Đặc biệt, sau khi công bố Quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đã công bố danh mục 23 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư lĩnh vực du lịch như Dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng tại Khu di tích lịch sử - văn hóa, căn cứ cách mạng Bưng Lạc Địa (tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri); dự án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, ẩm thực (ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại); dự án Du lịch cồn Bình Trung (tại xã Định Trung, huyện Bình Đại); dự án Du lịch cồn Cái Gà (xã Long Thới, huyện Chợ Lách); dự án Trung tâm điều phối Làng Văn hóa du lịch - Trạm dừng chân K26 (tại xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre),…

Để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phù hợp điều kiện với từng địa phương, tạo hành lang pháp lý, tiếp cận đất đai, đầu tư nâng cấp hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm, tin tưởng hợp tác đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng và nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện các đầu mối kết nối giao thông.

Tỉnh sẽ huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào các khu, điểm theo quy hoạch và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối phù hợp, các sản phẩm du lịch đặc thù; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, từng bước thúc đẩy chương trình liên kết phát triển du lịch, liên kết vùng đi vào chiều sâu và toàn diện hơn. Đặc biệt, Bến Tre triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 10/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận lợi, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".

Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh, Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là một trong những điểm đến sinh thái, trải nghiệm văn hóa hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đối với khách quốc tế, điểm đến nghỉ dưỡng ngắn ngày hàng đầu khu vực đối với khách trong nước. Đến năm 2030, Bến Tre đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; đồng thời trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao và thuộc nhóm dẫn đầu các địa phương trong khu vực, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục