Du lịch Hà Nội bứt tốc sau đại dịch COVID-19

16:10' - 20/12/2023
BNEWS Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm ngoái, trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 138,1%.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, đây là thành quả của việc triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch của thành phố trong thời gian qua.

Bứt tốc ngoạn mục

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các hội nghị “Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam” ngày 21/12/2022 và “Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển” ngày 15/3/2023, Thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành, triển khai nghiêm túc Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thủ đô; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025. 

Nhờ vậy, du lịch thủ đô đã từng bước khởi sắc sau đại dịch. Số lượng khách du lịch tăng trưởng thấy rõ trong những tháng cuối năm. Đáng chú ý, theo Sở Du lịch Hà Nội, tháng 11/2023, Hà Nội đón 1,8 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 453.900 lượt, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 22,6 triệu lượt khách, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách du lịch quốc tế đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch cả năm.

Bên cạnh đó, năm 2023, thủ đô Hà Nội tiếp tục được các tổ chức quốc tế vinh danh các giải thưởng quan trọng như Giải thưởng Điểm đến Thành phố Hàng đầu Thế giới năm 2023 và Giải thưởng Điểm đến Thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023.

Đáng chú ý, trong lần thứ hai giành danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023”, Hà Nội đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký như Sydney (Australia), Tokyo (Nhật Bản), Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) hay Lisbon (Bồ Đào Nha). Điều này cho thấy sức hút của ngành du lịch thủ đô trên bản đồ du lịch thế giới, đồng thời tạo động lực thúc đẩy các du khách đến với Hà Nội trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định đây là tín hiệu vui của ngành du lịch Thủ đô khi đã lấy lại được đà tăng trưởng sau khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Điều này cũng cho thấy sự tin tưởng của du khách trong và ngoài nước với các sản phẩm du lịch của thủ đô, đồng thời khẳng định Hà Nội là điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, đặc sắc, an toàn và chất lượng.

Dấu ấn các sản phẩm mới

Một trong những bí quyết quan trọng giúp du lịch Hà Nội bứt phá mạnh sau đại dịch là sự ra đời của các sản phẩm mới mang tính sáng tạo. Ngoài những sản phẩm du lịch đã quen thuộc với du khách, thời gian qua, ngành du lịch Hà Nội đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc và mang đậm dấu ấn của thủ đô ngàn năm văn hiến. Các sản phẩm này đã thu hút sự quan tâm của các du khách trong và ngoài nước.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 11/2023, ngành du lịch Hà Nội đã cho ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm ở Hà Nội nhằm mang đến cho du khách và người dân thủ đô những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ thông qua sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại với không gian văn hóa, lịch sử của Hà Nội trong đêm. Đây cũng là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn các di sản văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội.

Trong số các sản phẩm trên, đáng chú ý có các tour mang tính sáng tạo như “Tinh hoa đạo học” với hiệu ứng ánh sáng 3D mapping tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám; tour xe đạp trải nghiệm đêm Hà Nội; không gian nghệ thuật, chiếu sáng tại số 22 phố Hàng Buồm…

Ở khu vực ngoại thành, nhiều điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách vào dịp cuối năm đang dần hình thành như thung lũng hoa ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín); trải nghiệm hoa dã quỳ tại Vườn Quốc gia Ba Vì (tháng 11); Lễ hội Du lịch Sinh thái Ba Vì (tháng 12)…

Mặt khác, Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch golf. Gần đây nhất, Sở đã tổ chức Giải Golf Du lịch Hà Nội tại sân BRG King Golf Course vào ngày 2/12.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản di tích, làng nghề theo tuyến: Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Bên cạnh đó, thành phố cũng thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại các làng nghề, phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số như Mường, Dao...

“Hà Nội sẽ đẩy mạnh du lịch văn hóa, sinh thái gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây là những dòng sản phẩm mới hứa hẹn hấp dẫn khách quốc tế trong thời gian tới”, bà Đặng Hương Giang nói. 

Tạo đà để tiếp tục bứt tốc 

Để phát triển du lịch hiệu quả và bền vững, Thành phố Hà Nội vừa đề nghị Chính phủ xem xét sớm phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong đó xem xét đưa vào định hướng khu du lịch quốc gia ba địa điểm tiềm năng của Hà Nội, gồm: khu du lịch Ba Vì, khu du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và hồ Đông Mô, khu di tích thắng cảnh du lịch Hương Sơn (chùa Hương), để tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia. 

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan tham mưu ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các điểm du lịch cộng đồng, nông nghiệp nhằm cụ thể hóa điều 5 Luật Du lịch 2017, để Thành phố có cơ sở đầu tư hạ tầng, nâng cấp điểm đến để đón tiếp du khách. 

Mặt khác, Thành phố cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về kinh tế, về thủ tục giúp các doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế và trong nước để mở rộng, tiếp cận được các đối tác có tiềm năng; Quan tâm, xây dựng chiến lược tổng thể về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn toàn quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục