Du lịch sinh thái rừng tràm U Minh Thượng bằng vỏ lãi “vượt chướng ngại vật”

16:41' - 06/02/2019
BNEWS Kiên Giang được biết đến là địa phương có nhiều điểm du lịch thu hút du khách.
Du khách thích thú dùng lợp bắt cá tại Tiểu khu rừng tràm 34. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Trên địa bàn tỉnh, ngoài những thắng cảnh ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương… hiện nay Kiên Giang còn có loại hình du lịch mới ở vùng miệt thứ thuộc địa bàn xã Đông Hưng B, huyện An Minh, đó là: du lịch sinh thái trải nghiệm các hoạt động câu cá, hái rau rừng, xem gác kèo ong mật, đi trên chiếc vỏ lãi để vượt đập ngăn mặn vào rừng.

Ngồi trên chiếc vỏ lãi (còn gọi là vỏ tắc ráng), khi nghe hiệu lệnh của anh lái vỏ máy chuẩn bị “vượt đập” và tăng tốc, du khách lúc đầu có thể sẽ thấy đôi chút lo lắng.

Thế nhưng, khi chiếc vỏ lãi cùng đoàn du khách “bay” qua con đập (khoảng 20 cm), du khách sẽ cảm thấy rất thích thú. Đây chính là trải nghiệm đầu tiên khi du khách muốn vào khu rừng Tiểu khu 34 thuộc ấp Cán Ráo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh.

Anh Lê Hoàng Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đông Hưng B, huyện An Minh chính là chủ nhân của tuyến du lịch này. Anh Nhân sinh ra và lớn lên ở vùng rừng tràm U Minh Thượng nên rất hiểu và gắn bó với rừng. Hiện nay anh Nhân còn là chủ nhân của dòng tranh vỏ tràm ở vùng U Minh Thượng.

Anh Nhân đã nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch từ rừng tràm ở Tiểu khu 34, có tổng diện tích trên 1.296 ha, thuộc rừng phòng hộ được giao khoán cho các hộ dân để quản lý, bảo vệ và khai thác. Anh cũng thấy việc gác kèo ong mật, nuôi cá nước ngọt, trồng màu của người dân, nhất là khi đặt chân vào tiểu khu này sẽ phải “vượt chướng ngại vật” để qua con đập là khá thú vị.

Từ đó, anh bàn với anh Huỳnh Văn Duẩn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đông Hưng B, có đất và nhà trong Tiểu khu 34 mở tuyến du lịch để du khách trải nghiệm về với thiên nhiên rừng tràm.

Du khách trải nghiệm dùng lợp bắt cá tại Tiểu khu rừng tràm 34. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Theo đó, khách du lịch muốn đặt tour du lịch vào Tiểu khu rừng tràm này sẽ đến với phòng tranh của anh Nhân nằm dọc bờ sông Trẹm thuộc ấp 11A, xã Đông Hưng B. Trong khi du khách xem tranh vỏ tràm, sẽ có vỏ lãi đến đón du khách vào khoảng 2,5 km.

“Điểm nhấn” đầu tiên là du khách sẽ được “bay” bằng vỏ lãi qua con đập bên ngoài đê rừng để ngăn nước mặn vào trong khu vực rừng tràm tiểu khu. Khi chiếc vỏ lãi chạm mặt nước, du khách sẽ vô cùng thích thú khi được ngắm cảnh rừng tràm bao la, dưới con kênh dẫn vào tiểu khu là rau muống đồng mọc lấn ra chạm vào chiếc vỏ.

Du khách sẽ cảm thấy thích thú hơn khi đưa bàn tay xuống dòng nước đỏ ngọt mát lạnh của U Minh tựa màu trái mòng tơi chín.

Đặt chân lên đê bao rừng tràm, du khách sẽ có các hoạt động trải nghiệm như đi hái rau rừng, hái rau muống, rau cơm thất…; tiếp đến theo chân những người dân ở đây gác ong rừng lấy mật, bắt cá đồng, đi câu cá đồng dưới tán rừng tràm, thưởng thức bữa cơm với các sản vật của địa phương.

Anh Lê Hoàng Kha - một du khách ở ngay trong huyện An Minh cho biết, anh cảm thấy rất thú vị với trải nghiệm cần câu câu cá cá rô đồng, thác lác ở phía bìa rừng.

Du khách thưởng thức cá nướng, rau rừng tự bắt và hái tại Tiểu khu rừng tràm 34. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Lão nông Nguyễn Văn Đồng, người đã có 8 năm ăn Tết trong Tiểu khu rừng tràm ở đây cho biết, khi nhận khoán đất rừng, người dân ở đây buồn lắm. Lý do là lúc đó chưa có con đường, chủ yếu đi lại bằng vỏ máy nên ai cũng ngại mỗi khi vào đây.

Mỗi dịp lễ, Tết, người dân chạy vỏ máy ra chợ mua những thứ cần dùng rồi í ới gọi nhau cùng vui chứ ít có người quen đến chơi.

Giờ đây có mô hình du lịch này người dân ở đây rất phấn khởi. Cũng vì mến khách, khi đoàn du khách đến, ông Đồng không ngại ngần sử dụng chính chiếc vỏ lãi của gia đình để chở và hướng dẫn đi vào rừng xem ông gác kèo ong lấy mật.

Bạn hàng xóm của ông Đồng là ông Võ Văn Thạch khi nghe có đoàn khách vào thăm rừng tràm cũng rất phấn khởi và nhiệt tình hướng dẫn từng người cách đặt dụng cụ bắt cá đồng dưới nước.

Theo anh Lê Hoàng Nhân, trong Tiểu khu rừng tràm 34 này có tổng số 142 hộ nhận khoán đất rừng, đa số là hộ nghèo, nay đời sống cũng dần cũng đã ổn định nhờ sản vật tự nhiên ban tặng, như cá, rau rừng, ong mật… nhưng tiềm năng vẫn còn nhiều.

Trước mắt, anh mở tuyến du lịch này để du khách trải nghiệm, dần về sau sẽ mở rộng hơn và giúp người dân nơi đây biết cách làm du lịch, giới thiệu và bán sản vật như ong mật, cá đồng, rau rừng cho du khách… mà không phải tự tìm nơi tiêu thụ như hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục