Du lịch Việt Nam tạo đột phá từ các FTA

06:31' - 02/03/2016
BNEWS Du lịch đang được xác định trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” khi các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Nhưng điều quan trọng là phải làm thế nào để tạo thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Năm năm gần đây, Việt Nam cũng luôn được xướng tên ở các giải thưởng du lịch thế giới và lọt vào danh sách bình chọn của các chuyên trang bình chọn du lịch uy tín quốc tế.

Thăm quan du lịch kết hộ khám phá các sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể đang là một trong nhưng loại hình du lịch được ưu chuộng tại Việt nam. Ảnh: TTXVN

Hình thành nhiều sản phẩm mới

“Khách đến, đến chơi í a…là chơi í a… nhà. Đốt than í a… dầu là quạt nước ấy pha trà mới người xơi.. là chén ới a trà này.” Trong tiết xuân se lạnh xen lẫn mưa phùn, tại thôn Thổ Hà, xã Vân Hà (Bắc Giang), đoàn du khách người Nga; trong đó, có chị Anna Petukhova  vẫn đang chìm đắm trong những ca từ mộc mạc nhưng đầy dung dị của dân ca quan họ.

Câu hát dân ca quan họ Bắc Ninh quen thuộc đã “kéo” chị Anna Petukhova, du khách người Nga quay trở lại Việt Nam lần này là lần thứ hai. Dù chưa hiều gì nhiều về loại hình dân ca này nhưng ý tứ cũng như lời hát khiến chị cảm thấy thích thú và lần này chị quyết định ở lại lâu hơn tại Việt Nam để tìm hiểu thêm.

Tham quan du lịch kết hợp với tìm hiểu di sản phi vật thể đang là một trong những loại hình du lịch mới hấp dẫn du khách nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Việt Nam đang ngày càng đa dạng hóa các loại sản phẩm du lịchkhaách nhau, đáp ứng thị hiếu khách tham quan. Bao gồm: du lịch tham quan cảnh quan, di sản, di tích; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, lễ hội ... Các sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực Việt Nam cũng đang được thị trường nhìn nhận.

Ngoài ra, một số loại sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao-mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch MICE... gần đây cũng được chú trọng phát triển. Đặc biệt, trong những dịp lễ hội, Tết cổ truyền dân tộc, các lễ hội được tổ chức ở quy mô lớn đã trở thành các sản phẩm du lịch quan trọng như lễ hội Chùa Hương, lễ hội bà chúa Xứ, festival Huế, carnaval Hạ Long, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, festival hoa Đà Lạt...

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam cho biết, những sản phẩm và những giá trị nổi bật của điểm đến Việt Nam dần được định vị tại các thị trường khách du lịch mục tiêu. Các khu, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch là những điểm nhấn quan trọng hình thành sản phẩm du lịch được định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Ông Tuấn chia sẻ, tính theo phân bố không gian, việc hình thành các sản phẩm du lịch giai đoạn vừa qua tập trung chính vào các trọng điểm là thành phố Hà Nội và phụ cận; Hải Phòng - Quảng Ninh; Huế - Đà Nẵng và phụ cận…

Tràng An địa điểm du lịch độc đáo - một trong những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận. Ảnh: TTXVN

Trên 7 vùng du lịch, hệ thống khu, điểm du lịch đã được đưa vào quy hoạch tổng thể cả nước giai đoạn này với 46 khu du lịch quốc gia, 41 điểm du lịch quốc gia, 12 đô thị du lịch và hệ thống khu, điểm du lịch địa phương quan trọng khác.

Về cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, đến nay, cả nước đã có 18.850 cơ sở lưu trú với 360.000 buồng. Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp tại miền Trung, đảo Phú Quốc, Quảng Ninh… đã đi vào hoạt động.

Các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới như Accord, IHG, Mariot, Movenpick, Park Hyatt, Starwood, Hilton, Victoria… đã hiện diện tại Việt Nam.

Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn của các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch như VinGroup, SunGroup, FLC, Tuần Châu, Mường Thanh,… được đưa vào hoạt động góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại và cao cấp tại nhiều địa phương như chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Vinpearl Phú Quốc (1.500 phòng), hệ thống cáp treo và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp tại Đà Nẵng, cảng du lịch quốc tế Tuần Châu.... .

Sự hình thành các khu du lịch lớn như ở Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang tạo động lực cho sự phát triển du lịch của một địa phương, của một vùng nói riêng và của cả nước nói chung, góp phần tăng trưởng số lượng lớn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia về du lịch cho rằng, chất lượng sản phẩm, khai thác phát triển sản phẩm và điểm đến du lịch còn yếu. Đến nay, Việt Nam chưa có được những sản phẩm du lịch chủ lực đặc thù, mang đậm bản sắc dân tộc; chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế.

Nhiều khu du lịch, điểm du lịch phát triển tự phát, chưa được đầu tư đúng tầm; thiếu các khu vui chơi giải trí có quy mô lớn và sức hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của du khách.

Các chương trình du lịch còn đơn điệu, trùng lặp; dịch vụ du lịch chưa đa dạng, chất lượng thấp, ít hấp dẫn. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ.

Cố đô Huế - địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tạo thế cạnh tranh

Các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch quan ngại, dù có nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam xếp sau 4 nước trong khu vực về thu hút khách quốc tế.

Cụ thể, Việt Nam có 92 triệu dân nhưng năm qua, Việt Nam chỉ đón 8 triệu lượt du khách quốc tế. Trong khi đó, Thái Lan có trên 67 triệu dân lại đón gần 30 triệu lượt khách quốc tế.

Hay như Malaysia có gần 31 triệu dân nhưng đón 25 triệu lượt du khách và đặc biệt là Singapore chỉ với dân số 5,5 triệu dân nhưng đón tới 15 triệu lượt khách quốc tế. Ngay cả với Campuchia từ những năm 1990, du lịch của họ không thể bằng Việt Nam nhưng nay họ lại là đối thủ của Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho hay, điều tất nhiên là Việt Nam không thể do sánh với Thái Lan và Singapore vì họ có xuất phát điểm du lịch cao hơn.

Nhưng nhìn khách quan thì du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng trong khi hiện nay Việt Nam xếp thứ 16 trong tổng số 140 quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch thế giới.

Du lịch Việt Nam hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên đa dạng và ẩm thực phong phú; đứng đầu Đông Nam Á với 21 di sản về văn hóa, thiên nhiên và tư liệu. Nổi bật là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha – Kẻ bàng (Quảng Bình). 

Theo TS. Phạm Trung Lương, chuyên gia về du lịch, hiện du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Sản phẩm du lịch sử dụng các yếu tố đầu vào từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.

Một góc Vịnh Hạ Long nhìn từ hang Bồ Nâu trên Vịnh. Ảnh: Đình Na/TTXVN

Tuy nhiên ngành du lịch hoạt động trong bối cảnh chưa có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ bởi các ngành liên quan; sự phối kết hợp liên ngành, địa phương chưa đồng bộ, không thường xuyên cả trong nhận thức và hành động.

 Mặc dù Luật Du lịch đã quy định “Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên du lịch” nhưng trên thực tế ngành du lịch không quản lý trực tiếp dạng tài nguyên du lịch nào…

Tuy có thế mạnh vượt trội, song du lịch Việt Nam có những hạn chế trong việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu, chất lượng dịch vụ, sản phẩm văn hóa, ứng xử…

Vì vậy, các chuyên gia về du lịch cho rằng, cần sự bắt tay giữa các bộ ngành để có thể mở rộng chính sách hướng tới thị trường có khả năng chi tiêu cao. Hoặc một giải pháp căn cơ, bền vững đó là các địa phương cần phải quyết tâm cải thiện chất lượng điểm đến và ứng xử với du khách.

Bên cạnh đó, một giải pháp được coi là tác dụng ngay đối với du lịch trong năm 2016 đó là tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến ở các thị trường có tốc độ tăng lượng khách cao Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Âu và Bắc Mỹ. Ngành cũng sẽ gia hạn miễn thị thực đơn phương cho thị trường Tây Âu; mở rộng diện miễn visa cho các nước khác và kết nối hàng không trực tiếp.

Để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, TS. Phạm Trung Lương bày tỏ, cần có một chính sách “thật”. Nghĩa là chính sách này phải được Chính phủ điều hành một cách quyết liệt vì hiện nay, việc phát triển kinh tế theo cách “ngành nào biết ngành đấy” chứ chưa có sự liên kết.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp phụ thuộc nhiều ngành chẳng hạn như hàng không, giao thông… và nếu không có những ngành này thì du lịch khó phát triển.

“ Nên chăng, thay vì chúng ta tìm thì trường xuất khẩu cho các mặt hàng thì chúng ta có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng tại chỗ thông qua du lịch. Chúng ta có thể thành lập trung tâm du khách để tại đây khi du khách mua hàng họ có thể yên tâm đến chất lượng và giá cả.”- ông Phạm Trung Lương nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục