Dữ liệu kinh tế toàn cầu ảm đạm và bức tranh triển vọng "màu xám"

06:00' - 09/08/2020
BNEWS Số liệu hỗn độn và tác động kinh tế mạnh mẽ do đại dịch COVID-19 gây ra có thể khiến các nhà đầu tư có những dự đoán sai lầm khi cho rằng phần tồi tệ nhất từ ảnh hưởng của đại dịch đã ở phía sau.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Stephen Bartholomeusz của tờ Sydney Morning Herald nhận định, dịch bệnh vẫn đang lan rộng tại Mỹ. Các quan chức y tế cấp cao của quốc gia này cảnh báo rằng đại dịch đang bước vào một giai đoạn mới, thậm chí lan rộng hơn.

Quốc hội với Nhà Trắng vẫn tiếp tục tranh cãi về các điều khoản của gói cứu trợ mới, thay cho gói cũ đã hết hạn vào ngày 31/7. Điều đó khiến cho sự lạc quan trên các thị trường chứng khoán dường như không có cơ sở.
Mặc dù có khá nhiều nhận định tiên đoán rằng kinh tế thế giới trong quý II/2020 sẽ chứng kiến "điểm rơi" thấp nhất, giữa bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống sức khỏe và kinh tế toàn cầu, nhưng những con số thực tế vừa được công bố trên toàn cầu vẫn tạo ra một cú sốc khó tưởng tượng.
Mỹ đã trải qua một đợt "sụt giảm" kinh tế lớn nhất kể từ năm 1947 - giai đoạn nội chiến, với mức giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2020 là 9,5% so với quý trước đó, tương đương mức giảm kỷ lục 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 
Kết quả kinh tế tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) thậm chí còn tồi tệ hơn nữa, GDP quý II/2020 giảm 12,1% so với quý trước đó, đưa tổng mức sụt giảm tăng trưởng cả năm lên khoảng 40%. Trước đó, vào quý I/2020, khi các tác động kinh tế do đại dịch gây ảnh hưởng mới chỉ bắt đầu, GDP của Eurozone đã giảm 3,6%.
Trong số các thành viên của Eurozone, Tây Ban Nha chứng kiến mức suy giảm GDP quý II/2020 lớn nhất là 18,5%, Italy là 12,4%, Pháp là gần 14% và Đức - nền kinh tế số một châu Âu - giảm 10,1%.
Tuy nhiên, Eurozone hiện đã mở cửa trở lại các nền kinh tế của mình, mặc dù vẫn còn thận trọng, nhưng có khả năng khu vực này sẽ vượt qua "điểm đáy" nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát.
Triển vọng của Mỹ, vốn rất quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, lại mờ mịt và càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự đối lập giữa đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa và Nhà Trắng, trong việc lên kế hoạch cho gói cứu trợ mới.
Mỹ, sau những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại các khu vực điểm nóng ban đầu, dường như cho thấy sự tái khởi động kinh tế Mỹ. Khoảng 7,5 triệu trong số 20 triệu việc làm bị mất trong tháng Tư đã được khôi phục vào tháng Năm và Sáu, làm dấy lên hy vọng về một sự phục hồi hình chữ V (suy giảm mạnh và bật tăng mạnh trở lại ngay sau khi chạm đáy).
Tuy nhiên, một số lượng việc làm đã được khôi phục có khả năng sẽ lại biến mất, với báo cáo việc làm công bố ngày 31/7 cho thấy con số thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Nếu Quốc hội Mỹ không thể đồng ý với một gói kích thích/cứu trợ mới, hoặc Đảng Cộng hòa theo đuổi một giải pháp khác và mức hỗ trợ thu nhập theo kế hoạch ban đầu để đối phó với đại dịch sẽ bị thu hẹp 2/3, thì tác động đối với việc làm và nền kinh tế rộng hơn của cường quốc lớn nhất thế giới là hoàn toàn có thể hình dung được, nhưng không phải theo chiều hướng tích cực.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vốn luôn thúc giục Quốc hội cung cấp nhiều kích thích hơn, đã cho thấy một vấn đề rõ ràng rằng số phận của nền kinh tế Mỹ phụ thuộc nghiêm trọng vào tiến trình lây lan của dịch bệnh. Ngân hàng trung ương đang tiếp tục lên kế hoạch cho một kịch bản tồi tệ nhất, mặc dù trước đó đã áp dụng hành động "chưa từng có" để cố gắng bảo vệ nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ.
Thị trường chứng khoán Mỹ, tâm điểm định hướng cho các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, đã giao dịch "nhiệt tình" như thể virus là một cái gì đó không đáng lo ngại, bất chấp nhiều cảnh báo được đưa ra cho thấy doanh thu quý II/2020 của các tập đoàn sẽ giảm trung bình 37%.
Ngược lại, chứng khoán tương lai - trái phiếu kho bạc 10 năm - của Mỹ chứng kiến mức lợi suất -1,03% vào ngày 31/7, cho thấy những dấu hiệu của mức lãi suất thấp và tăng trưởng yếu trong vài năm tới.
Những gì thể hiện trên thị trường trái phiếu cho thấy không có kỳ vọng nào về quá trình phục hồi hình chữ V hay hình chữ U, hay thậm chí là bất cứ thứ gì khác, ngoại trừ sự quay trở lại của một tiến trình tăng trưởng khiêm tốn kéo dài vài năm.
Tại Australia, trái phiếu kho bạc 10 năm hiện có lợi suất đạt khoảng 0,8% và rất có khả năng sẽ sớm sụt giảm trong thực tế. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của quý II/2020 đã giảm 1,9% do tác động tồi tệ của đại dịch gây ảnh hưởng tới giá xăng dầu và dịch vụ giáo dục.
Điểm sáng duy nhất trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, với số liệu công bố vào ngày 31/7 là của Trung Quốc, nơi mà một cuộc khảo sát của các nhà quản lý nhà máy đã cho thấy hoạt động sản xuất tăng trưởng trong tháng thứ ba liên tiếp.
Tuy nhiên, Trung Quốc - ngay cả khi không gia tăng căng thẳng ngày càng sâu rộng với Mỹ - cũng khó có thể đảm bảo cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Các thị trường chứng khoán đã không còn được xem là phong vũ biểu cho thể trạng kinh tế toàn cầu, khi mà sự lạc quan bị tận dụng một cách nhầm lẫn. Thậm chí ngay cả khi vắc-xin để chống lại virus SARS-CoV-2 được bào chế thành công và phân phối rộng rãi, nhanh chóng tới mọi quốc gia, thì thế giới vẫn sẽ ở trong trạng thái tăng trưởng thấp và không chắc chắn, ít nhất đến hết năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục