Dự thảo Luật Thuế tài sản - Bài 1: Cần tạo sự công bằng và ổn định xã hội

17:05' - 17/04/2018
BNEWS Theo nhiều luật sư, việc đánh thuế đối với căn nhà 700 triệu đồng trở lên mới chỉ giải quyết vấn đề thu ngân sách nhà nước mà quên đi sự công bằng và tạo sự ổn định cho xã hội.
Dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Nhìn nhận về dự án Thuế Tài sản do Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế sở hữu với nhà ở, giới luật sư cho rằng, thuế không chỉ đơn thuần là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước mà còn gắn liền với các vấn đề về sự tăng trưởng kinh tế, về sự công bằng trong phân phối và sự ổn định xã hội. Việc đánh thuế đối với căn nhà 700 triệu đồng trở lên mới chỉ giải quyết vấn đề thu ngân sách nhà nước mà quên đi sự công bằng và tạo sự ổn định cho xã hội.

Cần tạo ra sự công bằng

Bộ Tài chính cho biết, theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 31/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25 m2 sàn/người. Do đó, nếu tính một hộ gia đình trung bình là 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100 m2.

Theo quy định của pháp luật về xây dựng thì suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2 (suất vốn đầu tư xây dựng là căn cứ UBND tỉnh xây dựng và ban hành giá 1 m2 nhà xây dựng mới). Khi đó, giá trị xây dựng mới của căn nhà 100 m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế theo 2 phương án là lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng.

Mặc dù đưa ra 2 phương án lựa chọn ngưỡng đóng thuế nhà ở giá trị từ 700 triệu đồng và 1 tỷ đồng, nhưng Bộ Tài chính đã chốt đề xuất thực hiện theo phương án thu thuế đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên với mức 0,4%/năm.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cần phải nhìn dưới khía cạnh đánh thuế vào tài sản là ảnh hưởng lớn tới mục tiêu tôn chỉ của thuế là tạo ra sự công bằng và an sinh xã hội của người dân. "Chúng ta nên quan tâm đến vấn đề này hơn các vấn đề tăng thu ngân sách cho Nhà nước," Luật sư nói.

Phần lớn người dân ở đô thị mua nhà bằng việc vay ngân hàng và thường phải trả tiền gốc cùng lãi trong vòng 15 năm. Nếu người dân tiếp tục đóng thuế nhà ở nữa sẽ trở thành gánh nặng, đặc biệt những người dân có mức thu nhập trung bình, hoặc là thấp ở đô thị.

“Vì thế nếu đánh thuế nhà ở đối với tất cả những ngôi nhà có giá 700 triệu đồng trở lên sẽ không tạo ra sự công bằng xã hội mà còn mang tính tận thu của người dân”, Luật sư Hà nhìn nhận.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Đỗ Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật Đỗ Nguyễn và Liên Doanh cho rằng, thu nhập của người dân đã phải đóng thuế, bên cạnh đó, các vật tư xây dựng ngôi nhà cũng phải chịu thuế. Nhà ở là tài sản riêng gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân vì vậy không thể tiếp tục thu thuế hàng năm với tài sản sau thuế.

Nên đánh thuế đối với căn nhà thứ 2

Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thảo luận xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, có ý kiến đề nghị chỉ đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ 2 trở đi.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở đi có nhược điểm là không đảm bảo công bằng (trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà, mỗi nhà 50 m2 lại bị đánh thuế).

Hơn nữa, đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ khó khăn trong thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai thực tế tại Việt Nam, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở.

Việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi được áp dụng tại một vài nước trên thế giới như: Singapore, Nhật, Anh, Pháp, nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ. Thực tế, tại Việt Nam các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp.

Theo Bộ Tài chính, phương án này có thể làm giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản (ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong việc lựa chọn giữa đầu tư nhà ở và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán), từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường. Ngoài ra, việc đánh thuế đối với nhà ở thứ 2 trở lên còn tác động đến thị trường nhà cho thuê.

Từ phân tích trên, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ 2 trở đi.

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Bộ Tài chính bắt buộc phải tính toán để xây dựng được cơ sở dữ liệu giúp rà soát được một người có sở hữu hai ngôi nhà hay không.

Ông Hà cho rằng, đánh thuế vào bất động sản để tránh việc nguồn vốn đầu tư quá nhiều vào bất động sản, tránh việc tạo ra bong bóng bất động sản. Điều này là rất tốt, nhưng nên đánh thuế từ ngôi nhà thứ 2 trở lên.

“Người sở hữu nhà đầu tiên thì không nên đánh thuế, nhưng những người sở hữu từ ngôi nhà thứ 2 để cho thuê hoặc cho mục đích thương mại thì tôi ủng hộ đánh thuế và đánh thuế vào ngôi nhà có giá trị từ 1,5 đến 2 tỷ đồng trở lên. Như vậy Luật Thuế tài sản mới tạo ra sự công bằng cho xã hội”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, để phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh thì việc đánh thuế chỉ là một trong những công cụ và không phải yếu tố mang tính quyết định.

Để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh vẫn còn nhiều chính sách khác hỗ trợ, ví dụ như chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất rồi các loại thuế khác như: thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chính sách về kinh tế vĩ mô. Có nghĩa là chính sách thuế càng tạo điều kiện cho người dân làm ăn kinh doanh sẽ giúp kinh tế phát triển. Khi người dân có thu nhập cao hơn thì họ sẽ có tiền mua nhà, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Giám đốc Công ty Luật Đỗ Nguyễn và Liên Doanh, Luật sư Đỗ Anh Tú cho rằng, nếu ban soạn thảo Luật thuế Tài sản tính toán theo hướng áp dụng thuế với nhà giá trị lớn, từ căn nhà thứ hai và càng nhiều nhà càng phải nộp thuế cao thì câu chuyện có thể đi theo hướng khác vì ít nhiều sẽ thể hiện trách nhiệm của những người giàu có với Nhà nước và người nghèo.

Theo ông Tú, Dự án Luật Thuế Tài sản không phải là một một dự án luật mới, vào cuối năm 2009 đầu năm 2010, Dự án Luật này có tên là Dự án Luật Thuế nhà, đất gồm 15 điều đã được đưa ra lấy ý kiến công luận.

Dự án này dự kiến được Chính phủ xem xét, cho ý kiến trong phiên họp tháng 8/2009, trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 11/2009, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2010 và dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2011, nhưng thực tế là dự án đã không được thông qua.

Tại thời điểm đó, phần lớn ý kiến Đại biểu Quốc hội chưa tán thành với việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế với lý do nhà ở là tài sản riêng gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Mặt khác, nhà nước hiện đang khuyến khích và ban hành nhiều chính sách phát triển nhà ở cho người dân.

Thời điểm năm 2010, Ban soạn thảo Dự án Luật Thuế nhà, đất dự kiến không thu thuế nhà có diện tích nhỏ hơn 200 m2 hoặc đánh vào người có nhiều nhà, từ căn nhà thứ hai trở đi và giá trị căn nhà tương đối lớn, thực tế nhà ở có giá xây dựng trên 2 tỷ đồng mới thuộc diện chịu thuế.

Do đó, việc ban soạn thảo lần này chưa kế thừa các nội dung trước đây mà dự kiến quy định cứng về giá trị nhà và thuế suất 0,4%, đồng thời cho rằng để thực hiện các mục tiêu như khắc phục tình trạng đầu cơ nhà ở thì vừa chưa hợp lý và khó có thể thuyết phục được công luận về vấn đề này.

Ông Tú cho rằng, Ban soạn thảo có thể tính toán thêm về giá trị của tài sản là nhà ở, phải tương đối lớn, chẳng hạn từ 10 – 15 tỷ đồng trở lên hoặc đánh vào người có nhiều hơn từ 2 căn nhà trở lên./.

Văn Giáp

Bài 2: Người thu nhập thấp không thuộc diện phải nộp thuế nhà ở

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục